Lớn lên với đất, trưởng thành cùng những mẻ gốm ra vào lò, tình yêu, niềm đam mê nghề truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt người con gái làng Bát Tràng - Hà Thị Vinh. Cũng chính tình yêu và niềm đam mê ấy đã giúp chị làm được nhiều việc có thể coi là kỳ tích.
Chị Hà Thị Vinh |
Khi trụ sở chỉ là một manh chiếu
Kỳ tích đầu tiên của Hà Thị Vinh có lẽ phải kể đến việc chị quyết định từ chối một chỗ làm việc của Nhà nước để tự mình đứng ra thành lập một tổ hợp gốm sứ mỹ nghệ.
Đó là vào năm 1989 khi Nhà nước bắt đầu có chế độ 176. Là một cán bộ có nhiều năng lực của Xí nghiệp sứ Bát Tràng, chị hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để tiếp tục làm việc. Nhưng những kinh nghiệm tích luỹ được trong quá trình làm việc đã thôi thúc chị phải tự mình đứng ra để quyết định những con đường đi của riêng mình.
Tổ hợp ban đầu chỉ là những người có chung niềm đam mê. Trụ sở cũng chỉ là một “manh chiếu” trải ra trong ngôi nhà cổ của làng gốm.
400 công nhân ngành gốm sứ của Quang Vinh ngày hôm nay có lẽ không thể nghĩ rằng bà nữ tướng của mình ngày xưa đã phải nắm từng viên than, đập từng mảnh đất, tự mày mò để cho ra đời những mẫu mã mới.
Khi quyết định thôi việc ở Xí nghiệp sứ Bát Tràng, ý tưởng của Hà Thị Vinh đơn giản chỉ là để cứu đói cho gia đình mình. Người mẹ có ba con nhỏ nheo nhóc ngày đó bên cạnh là người chồng thương binh nặng ở chiến trường Bình Trị Thiên đã không nghĩ rồi một ngày mình lại là người góp phần đưa sản phẩm của làng gốm Bát Tràng đến với thị trường thế giới.
“Làm ơn, làm ơn...!!!”
Khi làm việc tại Xí nghiệp sứ Bát Tràng, chị đã va đập chủ yếu với công tác xuất khẩu, nên ngay từ khi thành lập tổ hợp, Hà Thị Vinh đã quyết định hướng đi cho sản phẩm của mình – đó là thị trường nước ngoài.
Ban đầu, thị trường đó chỉ rất nhỏ lẻ như Lào, và bằng con đường tiểu ngạch. Chính Hà Thị Vinh đã đích thân bỏ ra hai tháng ròng rã để lăn lộn tại Sài Gòn, Bình Dương gõ cửa từng cửa hàng mỹ nghệ để ký gửi sản phẩm. Phải năn nỉ “làm ơn, làm ơn” để sản phẩm của mình có được một chỗ nhỏ trong kệ hàng.
Mùa thu năm 89, niềm vui đầu tiên đã hé mở với chị, khi một khách du lịch người người Ý đã được chị và những sản phẩm của Bát Tràng thuyết phục, quyết định đặt một đơn hàng cho các sản phẩm phục vụ thế vận hội.
Biểu tượng quả bóng có trang trí những hoạ tiết dát vàng, chiếc gạt tàn thuốc lá hình quả bóng... với thời điểm hiện tại, những mẫu mã ấy quá đơn giản, nhưng vào thời điểm đó, quả là một đề bài hóc búa. Chị và những cộng sự của mình đã phải tự mò mẫm rất lâu để có thể cho ra đời sản phẩm hài lòng khách.
“Chúng tôi đã phát khóc khi sản phẩm đầu tiên được ra lò hoàn thiện” – chị xúc động tâm sự về kỷ niệm đáng nhớ ấy. Đơn hàng đó chỉ có vài chục nghìn USD, nhưng nó có giá trị rất lớn khi đã mở ra cho chị một hy vọng, giúp chị có thêm quyết tâm để đi tiếp con đường mình đã chọn.
Chuyến đi Mỹ của người đàn bà chân đất
Tiếp theo những tháng ngày đằng đẵng vừa làm đơn hàng này, vừa gõ cửa, mày mò để có được những đơn hàng kế tiếp, nhiều lúc Hà Thị Vinh thấy phía trước con đường mình đang đi là rừng rậm, là núi cao, hay biển sâu. Nhưng “câu thần chú” “phải cố gắng, phải chứng tỏ mình” luôn giúp cho chị sức mạnh.
Đến tận năm 97, khi thị trường cạnh tranh khắc nghiệt, những mưu mẹo của các “thượng đế ảo” làm những người làm gốm sứ ở Bát Tràng lao đao, và cơ sở của Hà Thị Vinh (lúc đó đã là Công ty TNHH 2 thành viên) cũng không ngoại lệ.
Trước nguy cơ phá sản, chị thấy không thể chỉ ở trong nước ngồi chờ các đơn hàng tự đến. Cũng may, cơ duyên đã cho chị gặp một vị khách là Việt kiều Mỹ nặng lòng với gốm Bát Tràng. Ý tưởng cho một cuộc triển lãm gốm sứ Bát Tràng tại Mỹ đã nhanh chóng được triển khai.
Chuyến đi Mỹ đáng nhớ đó đã không mang lại cho chị những khách hàng dài hạn. Nhưng nó đã cho chị rất nhiều bài học. Bài học của một “chiến binh” nếu lùi là sẽ chết.
Cho đến bây giờ, khi sản phẩm của Quang Vinh đã có mặt ở hầu hết các thị trường lớn như Đức, Nhật Pháp, Úc, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Đài Loan, Na Uy... và những chuyến đi của chị tới các quốc gia ấy cũng thường xuyên được trở đi trở lại, thì mỗi lần bước chân lên máy bay, trong chị lại dội về cảm xúc của chuyến đi Mỹ lần đầu tiên của người đàn bà chân dẫm đất, tay nặn đất, mặt vàng hơi đất.
Làm gốm trên đất mỏ
Ở thời điểm này, tên tuổi người con gái làng Bát Tràng Hà Thị Vinh được gắn nhiều hơn với cơ sở sản xuất gốm sứ tầm vóc trên vùng đất đệ tứ chiến khu Đông Triều - Quảng Ninh.
Đây cũng là nơi ghi lại nhiều kỳ tích của bà Tổng giám đốc Gốm sứ Quang Vinh. Ngay cả cơ duyên đến với nó với chị cũng là một điều không dễ gặp.
Trong lúc đang khóc dở, mếu dở với “chuyện làng Nhô” liên quan đến mảnh đất tỉnh Hưng Yên đã quyết định cấp cho Quang Vinh, chị nhận được điện thoại của một vị cán bộ tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ nhã ý được mời Quang Vinh về phát triển nghề gốm sứ trên đất mỏ.
Nhìn quãng đường xa xôi, chị nghĩ sẽ chỉ có thể đến gặp họ một lần, để cám ơn nhã ý. Nào ngờ, khi đến Quảng Ninh, nhận sự đón tiếp quá ân tình của chủ nhà, chị chỉ có một lựa chọn duy nhất là không thể phụ lòng họ. Lúc “miễn cưỡng” quyết định nhận một mảnh đất 35ha đó, chị không nghĩ rồi một ngày, nó sẽ là nơi gửi gắm tâm huyết cả một đời đam mê gốm sứ của chị.
Gắn bó những trái tim
Không chỉ là quãng đường đi sấp xỉ 300km còn chưa bằng phẳng. Những ngày đầu xây dựng cơ sở ở Quảng Ninh đã làm cho Hà Thị Vinh nhiều phen bầm dập.
Nhân lực thiếu và yếu, niềm tin đổ vỡ, thậm chí cả dàn công nghệ trị giá 200.000USD cũng phải vứt bỏ... làm chị nhiều lúc tưởng như gục ngã. Chị đã âm thầm, lầm lũi đi từng bước một, để đến lúc ngẩng lên thì “ngày cam lai” đã đến tự bao giờ chẳng biết.
Trong câu chuyện với tôi. Chị ít khi nói về những con số, về hiệu quả sản xuất. Lý giải cho băn khoăn của tôi, chị nói - những con số là câu chuyện tất yếu của mỗi doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng hàng đầu của một doanh nghiệp lại không phải điều đó, mà là vấn đề con người.
“Con người” ở đây chính là những người thợ tâm huyết với nghề, những người nhảy cẫng, hét vang xưởng khi nhìn một sản phẩm đẹp vừa ra lò, những người oà khóc tấm tức khi nhìn một mẻ lò thất bại, những người sẵn sàng cai sữa cho con, nhận quyết định đi phát triển cơ sở mới ở xa cho công ty...
Để có được những con người như thế, phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu với cái tâm, cái tầm của một thủ lĩnh quả cảm, nhân hậu. Người thủ lĩnh đó đã phải hướng dẫn họ từ việc sử dụng nhà vệ sinh tự hoại, hướng dẫn họ tận dụng vật dụng có sẵn của nhà máy để xây nhà riêng, chia sẻ kinh nghiệm đối nhân xử thể và cầm tay chỉ việc cho từng người.
Người thủ lĩnh đó sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch cho các con của họ vào ngày 1/6, để chúng được vui chơi, được thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của bố mẹ chúng trong việc kiếm tiền nuôi con ăn học. Người thủ lĩnh đó cũng vì thương công nhân của mình nên đã phát minh ra công nghệ đổ rót tự động trong quy trình sản xuất gốm để phù hợp với thể lực của nữ giới...
Người thủ lĩnh đó không gắn nhân công với công ty bởi thu nhập, mà gắn bó trái tim họ lại với trái tim mình. Hơn 400 lao động, 80% là nữ, với mức thu nhập bình quân 3 triệu/tháng, có lẽ, họ đã cám ơn chị nhiều lắm khi đã cho ra đời thương hiệu gốm sứ Quang Vinh.
Gian trưng bày sản phẩm của Quang Vinh |
Kết
Chị đã toại nguyện với những gì mình có ngày hôm nay? Tôi hỏi. Chị cười - nụ cười không gợn chút suy tư: “Ngày khởi nghiệp, tôi không nghĩ con đường mình đi lại nhiều trắc trở đến vậy, nhưng tôi cũng mơ đến những gì mình có hôm nay. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là 5 đứa con cả con trai, con dâu, con gái những thế hệ thứ 16 của dòng họ tôi đã đang dành hết tâm huyết cho nghề truyền thống của cha ông. Tôi tiếp tục gửi gắm những tâm nguyện mới vào các con mình.”
“Vậy chị sẽ truyền lại bí quyết gì cho những chủ nhân tương lai của nghề gốm?” “Chỉ đơn giản là niềm đam mê vô tận. Và các con tôi đều biết, bởi mẹ nó là một “nữ doanh nhân Hà Nội”.” - chị mỉm cười hạnh phúc!
Vân Tùng
Bà Hà Thị Vinh tham gia công tác phụ nữ ở 3 cấp, hiện là: - Uỷ viên Ban chấp hành TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội và Hội phụ nữ huyện Gia Lâm. - Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội. - Phó chủ tịch Hội thủ công mỹ nghệ Hà Nội - Phó Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng. - Uỷ viên Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh. - Phó Chủ nhiệm CLB nữ Doanh nhân Quảng Ninh.