Đáng nói ở chỗ, khu vực này nằm trong ranh giới được Công ty cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng thuộc tập đoàn Trung Thủy đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô với tổng vốn 3.300 tỉ đồng, kỳ vọng sẽ tạo nên sản phẩm du lịch mới đặc sắc cho Đà Nẵng.
Theo ông Trương Văn Đô, Bí thư Chi bộ Nam Ô 2/1, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), dự án đến nay cơ bản thực hiện xong việc giải tỏa đền bù, nhưng vẫn chưa thể triển khai từ năm 2012. Qua rất nhiều thay đổi, vào tháng 3/2018, thành phố ra thông báo liên quan điều chỉnh quy hoạch, trong đó có nội dung: “Thu hồi toàn bộ ghềnh Nam Ô, đưa ra khỏi dự án”. Từ đó dẫn đến việc không người quản lý, gây mất an ninh trật tự và ô nhiễm môi trường du lịch nảy sinh.
Ghi nhận phản ánh của địa phương, hàng ngày có hàng trăm lượt khách tới rạn Nam Ô vui chơi, chụp hình. Đặc biệt, con số này tăng lên cả ngàn lượt người vào Thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần. Nhiều người tới đây mang theo thức ăn, nước uống rồi trải bạt bên triền đá, góc núi hoặc bãi cát, nhưng lúc về lại “quên” dọn rác thải ra.
Hàng quán mọc trái phép tại Nam Ô |
Ông Trương Văn Đô cho biết thêm, chính quyền địa phương cũng mới tổ chức ra quân tổng dọn vệ sinh và Tập đoàn Trung Thủy cũng bố trí nhân viên dọn vệ sinh liên tục nhưng vẫn không làm sạch triệt để, do lượng rác thải ra quá nhiều.
Đáng nói, khi khách kéo đến, một số dịch vụ tự phát cũng “mọc” theo. Hiện khu vực này có khoảng hơn 20 hộ tự dựng lều bạt để mở quán ăn nhỏ và giữ xe. Nếu cứ để tình trạng diễn ra như hiện nay, vì không ai quản lý bãi biển càng bị “xẻ thịt” kinh doanh, làm mất mỹ quan đô thị hơn.
Mới đây nhất, vào ngày 21/3, người dân tại khu vực đã xảy ra xô xát, tranh chấp lẫn nhau trong lúc buôn bán. Do nóng giận, một chủ lều quán đã gom sạp lại đốt. May mắn các lực lượng chức năng can thiệp nên không xảy ra lớn.
Ông Đô chia sẻ thêm, rừng nguyên sinh Nam Ô cách khu vực người dân buôn bán khoảng 15-20m, nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao. Khó khăn ở chổ, nếu khu vực này xảy ra cháy nổ, xe cứu hỏa cũng không tiếp cận được vì đường vào quá nhỏ.
Sau khi có phản ánh, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng kiểm tra thực tế hiện trạng. Ông Dũng yêu cầu, việc chấn chỉnh tình trạng dựng lều bạt trái phép tại bãi biển rạn Nam Ô phải hoàn thành trước ngày 15/4.
Ngày 26/3, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND UBND phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) xác nhận, ngày 26 và 27/3, UBND phường phối hợp với Đội quản lý trật tự quận Liên Chiểu tổ chức ra quân dọn dẹp rác thải, tháo dỡ các hàng quán dựng trái phép ở ghềnh Nam Ô; chấn chính tình trạng lộn xộn, nhếch nhác.
Tình trạng gây mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị |
Về lâu dàu, ông Đô kiến nghị: “Góc độ địa phương, bà con mong muốn thành phố giao vị trí này (rạn Nam Ô - PV) cho đơn vị nào đó và sắp xếp, bố trí cho hợp tình, vừa được lòng dân, vừa được thêm dự án, để tạo điều kiện cùng nhau phát triển kinh tế - địa phương”, ông Đô nói.
Đồng quan điểm, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng nêu: “Không nên cắt ghềnh đá Nam Ô ra khỏi dự án vì nếu cắt ra, khả năng địa phương không đủ sức để tôn tạo và xây dựng địa danh này thành một điểm đến thu hút khách du lịch. Trong khi bao nhiêu năm qua, mỏm đá này chẳng ai đoái hoài đến ngoài vài nhóm người dân đến đây chụp ảnh, ăn nhậu, xả rác, phóng uế”…
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP.Đà Nẵng khóa IX (ngày 17 đến 19/12/2018), ông Phạm Tấn Xử, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP. Đà Nẵng từng chất vấn “Đối với Dự án Nam Ô, điều chỉnh quy hoạch là bình thường nhưng tôi mong phải xem lại cho thấu lý đạt tình, đảm bảo lợi ích hài hòa của nhân dân và nhà đầu tư. Chính quyền phải có ý kiến về vấn đề này để đảm bảo sự, phát triển, tách bãi Nam Ô ra khỏi khu du lịch không phải giải pháp tối ưu”.
Trong các cuộc làm việc với người dân và các sở ban ngành liên quan ở Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy cho biết, phía công ty thấy rằng khu vực Nam Ô có thể phát triển du lịch tốt. Đây cũng là cơ hội cho người dân sống xung quanh vùng có công ăn việc làm bền vững, ổn định, lâu dài. Vì thế, phía công ty đã chủ động đề xuất làm một khu vực “an sinh xã hội”, trong đó có nhà thể thao, khu làng nghề nước mắm, khu chợ hải sản và nhà hàng…để cho người dân trong vùng tập trung lại, vừa cùng kinh doanh đúng ngành nghề, vừa phát triển du lịch.
Bí thư chi bộ thôn 2/1 Nam Ô mong muốn nên cho một đơn vị nào đó đầu tư quản lý Nam Ô |
Riêng về ghềnh đá Nam Ô, theo bà Tuyết, công ty luôn hướng tới cộng đồng, hướng tới môi trường và mong muốn rằng ghềnh đá giữ được vẻ đẹp sẵn có của nó. Phía công ty cũng muốn kết hợp với các chuyên gia về môi trường, sinh học…để làm sao bảo vệ được sự xâm thực của thiên nhiên, kể cả tác hại do con người gây ra. Còn nếu thực sự ghềnh Nam Ô tách ra khỏi dự án, sẽ gây khó khăn cho kinh doanh, bởi không thể nào một dự án 5 sao mà có một ghềnh đá tách ra, không có ai quản lý dẫn đến mất vệ sinh môi trường, nhếch nhác như trước đây. “Chủ đầu tư cam kết không có khai thác thương mại ở trên ghềnh Nam Ô đó”, bà Tuyết nói.