Chậm nhất cuối năm nay, phải chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kết nối trực tiếp với nhiều đơn vị cấp huyện, xã tại những tỉnh có nhiều ngư dân vi phạm để tìm hiểu tình hình thực tế. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kết nối trực tiếp với nhiều đơn vị cấp huyện, xã tại những tỉnh có nhiều ngư dân vi phạm để tìm hiểu tình hình thực tế. Ảnh: VGP
(PLVN) – Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khi chủ trì cuộc họp trực tuyến sáng 7/9 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Nêu rõ mục tiêu chậm nhất cuối năm nay phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm, đưa hoạt động khai thác hải sản trở lại lành mạnh, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển đúng hướng, Thủ tướng cũng chỉ đạo hàng loạt giải pháp quyết liệt, đồng bộ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của 675 xã, phường, thị trấn thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển trong việc tổ chức thực hiện, tuyên truyền, vận động nhân dân để đạt được mục tiêu này, vì lợi ích của chính người dân và cộng đồng, đất nước.

Phát huy vai trò của cấp xã, phường

Thủ tướng đặt hàng loạt câu hỏi với lãnh đạo các địa phương có nhiều ngư dân vi phạm về công tác tuyên truyền cho người dân về các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định về khai thác hải sản, việc kiểm tra, tổ chức quản lý thực hiện...

Từ trả lời của các địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, trong phòng chống COVID-19, chúng ta đã lấy xã phường làm pháo đài. Để ngăn chặn vi phạm trong khai thác hải sản, cũng phải phát huy vai trò của cấp xã, phường.

“Đây là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, biết dân nhất, sống với dân, cùng làm với dân, tiếp xúc trực tiếp nhất, nhiều nhất với dân. Ngay từ xã phường phải thực hiện tốt cơ chế cấp ủy lãnh đạo, chính quyền thực hiện quản lý nhà nước, cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vào cuộc, giám sát, vận động, kêu gọi người dân tích cực hưởng ứng, tham gia, chấp hành. Cấp huyện phải kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ cấp xã. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh”, Thủ tướng nhấn mạnh nội dung này tới lãnh đạo các địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý: Việc nhỏ nhưng tổ chức không tốt thì việc nhỏ cũng không xong, việc nhỏ thành việc lớn, người dân không muốn vi phạm nhưng không tuyên truyền tốt thì người dân không biết rõ quy định, không hiểu rằng vi phạm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, của địa phương, của cộng đồng và lợi ích của chính người dân thế nào.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã nêu nhiều giải pháp, đề xuất theo tinh thần đề cao trách nhiệm trên lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, thực hiện các biện pháp khắc phục các hạn chế để trong năm 2021 giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm hiện nay; đến tháng 10/2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhiều địa phương cam kết với Thủ tướng về mốc thời gian chấm dứt vi phạm của tàu cá trên địa bàn.

4 tháng để gỡ “thẻ vàng” và không để bị “thẻ đỏ”

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, ngành khai thác, đánh bắt hải sản còn nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn tới việc EC cảnh cáo thẻ vàng, có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chính là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở chưa chặt chẽ, nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, vận động chưa tốt. Một bộ phận người dân có lúc chưa có ý thức, trách nhiệm tốt trong thi hành các quy định liên quan đến khai thác thủy sản.

Để gỡ “thẻ vàng” và không để bị “thẻ đỏ”, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu chậm nhất trong năm nay, tức là còn 4 tháng nữa, phải chấm dứt tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác hải sản. “28 tỉnh thành phố, 136 huyện thị và đặc biệt là 675 xã phường thị trấn phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt, đạt được mục tiêu”, Thủ tướng nghiêm khắc yêu cầy.

Thủ tướng nêu rõ, các địa phương, nhất là cấp cơ sở, phải làm tốt một số nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Theo đó, tuyên truyền, vận động, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật tới tận người dân để người dân biết, hiểu, người dân tin, người dân theo, người dân làm. Thực hiện nghiêm quản lý nhà nước, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng đối tượng, ai làm tốt phải khen, ai làm chưa tốt phải phê bình, kiểm điểm, ai vi phạm phải xử lý, kỷ luật. Đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện, thể chế, chính sách. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng trên địa bàn. Phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá, tạo điều kiện, cơ hội để người dân tham gia phát triển hạ tầng, thực hiện các mục tiêu phát triển ở địa phương.

Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phòng, chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng”…

Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật, nhất là tại các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nam Định, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh…

Những địa phương để xảy ra nhiều vi phạm như Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau… đặc biệt là Kiên Giang cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cũng tại cuộc họp, qua hệ thống kết nối trực tuyến, Thủ tướng đã kết hợp kiểm tra nhanh lãnh đạo nhiều huyện, xã, phường, thị trấn về công tác phòng chống COVID-19 theo phương châm xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ. Thủ tướng lưu ý, “Bỏ ra 1 đồng để phòng dịch, còn hơn khi chống dịch mất 1.000 đồng, thậm chí 10.000 đồng, đây là bài học xương máu chúng ta đang tổng kết”.

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...