Người làm công tác xã hội (CTXH) sẽ thôi bị mang tiếng “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, khi Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020.
Nghề “tái chế” con người
Không đơn thuần là công việc từ thiện, CTXH góp phần thay đổi những số phận không may. |
Thông tin trên đã mang lại niềm vui lớn cho những người theo “nghiệp” CTXH. “Như vậy thì quá tốt”, “Mừng cho anh em”, đó là câu cửa miệng của hầu hết những ai đã, đang gắn bó với công việc mang tính cộng đồng cao, nhưng trước đây lại chưa được thừa nhận là một nghề chuyên nghiệp.
Từ lâu nay, nhiều người đã quen coi CTXH chẳng khác nào công việc từ thiện và làm CTXH chỉ cần có tấm lòng nhân ái là đủ. Cách nghĩ ấy đã vô tình coi nhẹ vai trò của CTXH, đó là sự “tái chế” con người. Không phải chỉ bỏ công sức, tiền của để cho ai đó món quà hay sự trợ giúp, với chức năng của mình, người làm CTXH đã góp phần thay đổi những số phận không may vốn bị tổn thương trong tâm hồn và cuộc sống. Thay đổi một con người, một nhóm đối tượng, tác động vào nhận thức để chuyển đổi hành động, đó là việc làm cực kỳ khó khăn và đòi hỏi nhiều kỹ năng. Tuy vậy, một thời gian dài, người làm CTXH vẫn chỉ biết âm thầm lao động. Định nghĩa về công việc của mình, đối tượng nào được xếp vào đội ngũ CTXH, loại bằng cấp chuyên môn nào được công nhận thuộc lĩnh vực CTXH… vẫn là câu hỏi mà ngay cả người trong cuộc cũng loay hoay tìm lời giải. Bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố khẳng định: “Hiện chưa có con số tổng hợp về đội ngũ làm CTXH trên toàn địa bàn, bởi lâu nay chúng ta chưa có định nghĩa rõ ràng và chính thức về công việc này”.
Với Quyết định mới, không chỉ xã hội sẽ có cái nhìn khác về CTXH, rằng ở Việt Nam nó đã trở thành một nghề với đầy đủ các tiêu chuẩn, mà chính những người đang sống với CTXH cũng sẽ tự tin và tự hào hơn. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Người làm CTXH sẽ rất vui, bởi từ nay họ đã có nghề nghiệp rõ ràng. Sẽ không còn mặc cảm khi ai đó cho rằng họ là những con người vô công rỗi nghề đi làm chuyện thiên hạ”. Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hảo, chuyên viên giáo dục, Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng cho biết: “Được thừa nhận là một nghề thì xã hội sẽ quan tâm nhiều hơn, đội ngũ làm CTXH cũng sẽ hưởng nhiều quyền lợi và nghĩa vụ…”.
Mở ra hướng phát triển mới
Được công nhận là một nghề, người làm CTXH sẽ có nhiều cơ hội nâng cao nghiệp vụ.Trong ảnh: Tình nguyện viên Việt Nam được chuyên gia nước ngoài tập huấn về phục hồi chức năng cho người khuyết tật. |
Điều có thể nhận thấy đầu tiên là khi trở thành một nghề, CTXH sẽ có đội ngũ chuyên nghiệp đúng với đặc thù của lĩnh vực này. Bà Hảo cho biết, trong suốt 20 năm hoạt động, mọi chương trình nâng cao nghiệp vụ đều do trung tâm tự vận động hoặc “nhờ vả” chuyên gia nước ngoài sang giúp đỡ. Ngoài ra, không có một giáo trình, một bài giảng chung nào cho người làm CTXH trong nước. Bà Hiền lại có cách làm khác, nhưng mục đích cuối cùng cũng là tận dụng mọi cơ hội để nâng cao nghiệp vụ. “Mỗi dịp có lớp tập huấn, dù chỉ được vài suất tham dự, nhưng bao giờ tôi cũng xin cho mấy chục người được có mặt”. Cũng vì sự thiếu chuyên nghiệp, nên một cán bộ làm CTXH lâu năm cho hay: Nếu không vì “duyên số” thì người có trình độ ít gắn bó với CTXH, bởi họ không tìm thấy môi trường phát triển năng lực. Không thiếu người đến với CTXH chỉ vì… tìm không được việc làm khác.
Bên cạnh đó, với việc áp dụng ngạch, chức danh, bậc lương, nghề CTXH sẽ giữ chân được nhiều người. Nếu trước đây, thu nhập của đội ngũ CTXH khá bấp bênh vì tùy thuộc từng dự án, từng nguồn tiền vận động, có người còn không được nhận lương trong suốt thời gian dài, thì nay, đời sống được bảo đảm sẽ là động lực cho những ai tâm huyết với nghề.
Bà Nguyễn Thị Hảo, Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng trăn trở: Hiện chưa có quy định cụ thể đối với người làm CTXH tại các tổ chức phi chính phủ. Mong rằng, nhóm đối tượng này cũng sẽ nhận được các quyền lợi, nghĩa vụ như những người làm CTXH tại cơ sở Nhà nước. |
Bài và ảnh: Thu Hoa