Những quy định đang được lấy ý kiến trong dự thảo Nghị định về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật xác định những kiểu giáo dục con cái có tính bạo lực sẽ bị xử phạt, nhưng nhiều người quan ngại về tính khả thi của những quy định này.
Ảnh minh họa |
Theo Điều 14 của Dự thảo Nghị đinh quy định về xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thì những hành vi hành hạ, ngược đãi trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha, mẹ đều là những hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính.
Trong đó, những hành vi có tính bạo lực xâm phạm thân thể, đánh đập trẻ em, đối xử tồi tệ đối với trẻ em sẽ bị nghiêm trị. Thâm chí, việc bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 5 triệu đồng.
Không chỉ những hành vi mang tính bạo lực về thể chất bị xử phạt, những lời nói hoặc cách ứng xử với trẻ khiến trẻ bị bạo hành về tinh thần, như “Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em” hay hành vi “Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần” cũng là hành vi vi phạm bị xử phạt rất nghiêm khắc”.
Thậm chí, việc dùng hình ảnh “ngáo ộp” hay quái vật để và thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần… cũng là những hành vi bị xử phạt với mức phạt rất cao.
Những cách dạy bảo mang tính bạo lực với trẻ em, đặc biệt là những trẻ cá biệt sẽ là hành vi vi phạm hành chính và bị xử phạt. Với các quy định trên thì đối tượng áp dụng chủ yếu của điều luật này chính là các bậc cha mẹ hoặc thầy cô giáo, những người trực tiếp quản lý, chăm sóc trẻ em.
Việc xây dựng các quy định của pháp luật để bảo vệ trẻ khỏi bạo hành thể xác và tinh thần, để trẻ em được an toàn trong một môi trường sống tốt là mục tiêu mà cơ quan soạn thảo văn bản hướng tới. Song, với các quy định trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ, bảo vệ trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật lại dấy lên sự quan ngại về tính khả thi của các điều luật dự kiến được ban hành.
Luật sư Chu Mạnh Cường và Luật sư Lê Văn Kiên trao đổi liên quan đến những băn khoăn về người sẽ chịu tác động và điều chỉnh của văn bản quy phạm này khi được ban hành:
Thưa Luật sư Lê Văn Kiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định xử phạt hành vi “xâm phạm thân thể, đánh đập trẻ em” là không hợp lý, quan điềm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo tôi, việc xác định hành vi xâm phạm thân thể trẻ em như đánh đập hoặc các hành vi bạo lực thể xác khác là vi phạm hành chính, phải bị xử phạt là cần thiết và phù hợp với các yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em hiện nay.
Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật xây dựng pháp luật, tôi cho rằng cần nghiên cứu để hoàn thiện các quy định này, tránh quy định một cách quá chung chung và không rõ đối tượng áp dụng. Nếu quy định như hiện nay là xử phạt hành vi “xâm phạm thân thể, đánh đập trẻ em” thì hầu như các bậc cha mẹ đều bị xử phạt vì hiếm có bậc cha mẹ nào lại không “đánh đít” trẻ em, hoặc quy định việc thường xuyên dọa trẻ bằng hình ảnh “ngáo ộp” mà bị xử phạt thì có lẽ các bậc cha mẹ không tránh khỏi bị xử phạt đối với việc bình dị nhất của họ là cho con ngủ mỗi ngày.
Theo ông, để xem xét và xử phạt những hành vi có tính bạo lực thể xác và tinh thần đối với trẻ em, cơ quan xây dựng pháp luật cần xem xét những vấn đề gì?
- Theo tôi, khi xây dựng các quy định về xử phạt hành chính, cơ quan xây dựng pháp luật cần quan tâm đến chủ thể của các hành vi này cũng như tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để quy định cụ thể hơn, dễ thực hiện hơn.
Đơn cử, trong ngành giáo dục thì đương nhiên là nghiêm cấm các cô giáo dùng bạo lực về thể xác và tinh thần đối với trẻ vì việc đánh, mắng trẻ là điều cấm kỵ đối với môi trường giáo dục và những người làm công tác giáo dục. Hơn nữa, nhà trường là nơi giáo dục, chăm sóc trẻ em theo hợp đồng với gia đình nên việc có hành vi bạo lực đối với trẻ em là không thể chấp nhận được. Vì thế, việc đánh, mắng trẻ trong các cơ sở giáo dục tôi cho rằng là những vi phạm có thể xử phạt hành chính được. Do đó, tôi cho rằng, cần phải quy định thêm phần chủ thể của hành vi vi phạm hành chính.
Nói như vậy không có nghĩa là ngoài nhà trường ra thì cha mẹ hoặc người khác có quyền đánh, mắng hoặc thực hiện các hành vi khác xâm phạm đến thể xác và tinh thần của trẻ em. Nhưng đối với cha, mẹ trẻ thì việc “đánh mấy roi vào mông” mỗi khi trẻ hư mà bị xử phạt thì tôi không ủng hộ. Vì xét cho cùng, việc cha mẹ đánh mắng con không giống như cô giáo hay nhà trường đánh mắng học sinh, cho dù mục đích có thể giống nhau.
Theo tôi, đối với cha mẹ, nếu xâm phạm thân thể trẻ em thường xuyên và vì những lý do vô cớ, trẻ không có lỗi thì có thể xử phạt để phân biệt và ngăn chặn những hành vi bạo hành với cách xử lý trẻ khi trẻ có lỗi.
Thưa Luật sư Chu Mạnh Cường, có ý kiến cho rằng, các quy định như trong dự thảo là phù hợp vì pháp luật có tính chất dự phòng để ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Việc có xử phạt hay không do cơ quan có thẩm quyền tự quyết định khi căn cứ vào thực tế xảy ra hành vi bạo hành đối với trẻ em? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Nếu quy định mang tính tùy nghi như thế, tôi cho rằng không hợp lý. Vì, theo nguyên tắc pháp chế thì khi các quy định được ban hành thì phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Nếu để cho người có thẩm quyền tự quyết định có áp dụng hay không áp dụng quy định của luật thì sẽ dẫn đến việc trao quyền quá lớn cho người thực thi và không đảm bảo sự công bằng trong áp dụng pháp luật.
Hơn nữa, việc ban hành pháp luật nhưng không quan tâm đến quy định đó được áp dụng như thế nào hoặc quy định để cho có thì rất dễ phát sinh hậu quả là tâm lý nhờn luật của người dân và sự lạm quyền từ phía cơ quan nhà nước.
Theo ông, các quy định của pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ, bảo trợ trẻ em cần phải được hoàn thiện theo hướng nào?
- Dự thảo Nghị định này có nhiều nội dung cần góp ý. Tuy nhiên, tôi đồng tình với quan điểm cho rằng, dự thảo cần xử lý thật tốt các vấn đề kỹ thuật, không nên quy định quá chung chung như hiện nay. Tôi cho rằng, đối với những hành vi xâm phạm thể xác và tinh thần trẻ em thì cần phân chia thành nhiều nhóm chủ thể để đảm bảo tính chính xác và khả thi của điều luật.
Hơn nữa, mỗi hành vi xâm phạm trẻ em đến từ các nhóm chủ thể khác nhau sẽ có động cơ, mục đích khác nhau nên việc phân biệt rõ ràng sẽ làm rõ hơn những hành vi tốt, xấu và tính chất, mức độ nghiêm trọng của mỗi hành vi đó. Có như vậy mới có thể thực hiện được. Quy định như hiện nay là không rõ, dẫn đến việc xử phạt cha mẹ lại có thể làm bùng phát số lượng trẻ em... hư.
Xin cảm ơn hai Luật sư!
Bình Minh