Bố mất tích khó hiểu ngay trong đám cưới con gái
Gần nửa năm nay, căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ làng thuộc xóm 2, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu trở nên vắng lặng sau lần ông Hồ Hữu Quang đi đám cưới con gái rồi không trở về. Gương mặt khắc khổ, bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1961, vợ ông Quang) buồn rầu: Đáng ra, ngày con gái đi lấy chồng thì gia đình vui mừng, nhưng rồi chuyện chồng tôi mất tích, không có tung tích gì từ đó đến nay khiến tôi luôn sống trong lo lắng, cuộc sống bị đảo lộn.
Theo lời kể của bà Hồng, sau một thời gian vào miền nam làm thuê, người con gái thứ 3 tên là Hồ Thị Phượng (SN 1993) có mối quan hệ yêu đương với chàng trai quê Hậu Giang. Lúc đầu, vợ chồng bà không tán thành tình yêu ấy vì muốn con gái lấy chồng gần nhà.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm phản đối mà thấy con gái vẫn kiên quyết nên vợ chồng bà đành chấp nhận cuộc hôn nhân của chị Phượng. Sau cuộc gặp nhanh gọn giữa hai gia đình, họ quyết định sẽ tổ chức đám cưới 1 lần tại quê chú rể, ấn định ngày 15/11/2019. Vì đường sá xa xôi nên nhà gái chỉ đại diện 5 người đi ăn cưới. Sau khi chuẩn bị ít đồ đạc, quần áo, nhóm người này bắt xe khách từ Nghệ An vào TP HCM.
Đến nơi, họ sẽ tiếp tục bắt thêm một chuyến xe khác để xuống khu vực 5, phường 3, TP Vị Thanh (Hậu Giang) – là quê chú rể. “Chúng tôi đến nhà ông bà thông gia trước ngày cưới 1 đêm. Hôm đó, ngoài chuyện kêu hơi đau đầu thì chồng tôi không có biểu hiện gì khác thường. Ông ấy khá vui vẻ nói chuyện với mọi người tới khuya đến khi con gái bảo nghỉ sớm để chuẩn bị công việc cho ngày mai mới đi ngủ”, bà Hồng cho biết. Khoảng hơn 9h sáng hôm diễn ra đám cưới, bà Hồng thấy chồng tiến đến gần mình để nói chuyện gì.
Tuy nhiên, lúc đó do nhạc đám cưới quá to nên bà không nghe chồng nói gì. Lát sau, bà thấy chồng đi ra ngoài. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ do ở trong rạp đám cưới ồn ào nên ông ấy ra ngoài, sang nhà hàng xóm ngồi tạm. Nhưng khi tiệc cưới bắt đầu tàn thì chúng tôi không thấy ông ấy đâu cả”, lời bà Hồng. Do từ xa đến, không quen biết ai nên gia đình bà Hồng đành nhờ vợ chồng con gái và ông bà thông gia ở Hậu Giang và huy động thêm một số người hàng xóm cùng tìm kiếm, dò hỏi thông tin nhưng không ai biết ông Quang đi đâu, làm gì.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết ông Quang đi người không và không mang theo bất kì giấy tờ, tài sản nào |
Lo lắng, chị Phượng cho biết đã thông báo lên chính quyền địa phương chuyện bố mình bị mất tích. Những ngày sau đám cưới, thay vì được nghỉ ngơi, hay hưởng tuần trăng mật thì chị Phượng lại chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm bố mình.
Chị Phượng kể, mấy ngày sau khi đến bến xe Cần Thơ chị có nghe nhiều người nói từng thấy người đàn ông giống như hình ảnh tôi đưa ra. Người này ở đây vài ngày nhưng hôm chị đến thì không ai thấy nữa. Vì người này nói giọng địa phương khó nghe nên không ai hiểu gì. Sau khi cho ăn uống 2 ngày, họ đã cho 90 nghìn đồng rồi người này đi đâu không ai rõ.
“Dù chỉ nghe người ta miêu tả về ngoại hình nhưng tôi tin chắc đó chính là bố của mình. Bố bình thường rất minh mẫn, nhưng tôi chỉ lo hôm đó có thể do bố đã có ly rượu trong người nên không tỉnh táo. Hơn nữa, do bố nói tiếng địa phương Nghệ An nên nhiều người không hiểu”, chị Phượng thông tin qua điện thoại.
Mòn mỏi chờ tin, người đi vẫn chưa về
Điều oái oăm là lúc mất tích, ông Quang không có tiền trong người, không có điện thoại, cũng không mang theo chứng minh thư hay loại giấy tờ tùy thân nào. Người thân nghi ngờ, do bình thường ông Quang không nhớ số điện thoại nên khi không may bị lạc đã không kết nối được với gia đình.
Gần nửa năm trôi qua, gia đình bà Hồng vẫn chưa có thông tin gì về ông Quang. Lo lắng, nhưng vì xa xôi, cách trở, gia cảnh lại khó khăn nên việc tìm kiếm chồng của người phụ nữ này càng vất vả hơn. Bà cho biết, thời gian đầu có nhờ một số người quen biết đang sống ở miền Nam đăng tin tìm kiếm nhưng không được.
Có lần, gia đình nhận được thông tin phát hiện một thi thể người đuối nước giống ông Quang nên đã nhờ người đến nhận dạng. Điều may mắn là lúc đến nơi đó là một người khác. Khi được hỏi về những biểu hiện bất thường trước ngày lên đường đi đám cưới con gái, bà Hồng cho biết: “Những đêm trước khi lên đường đi đám cưới con, tôi thấy ông ấy hay khóc rồi nói một mình “con ơi là con, sao lại lấy chồng xa”.
Nghĩ chồng buồn nên tôi cũng không đến bắt chuyện”, bà Hồng chia sẻ thông tin này và nghi ngờ, có khi nào chồng mình bị sốc do ảnh hưởng tâm lý nên bỏ đi đâu đó một thời gian. Nghĩ vậy, nhưng rồi bà lại gạt suy nghĩ đó đi, bởi theo người phụ nữ này phân tích, bình thường chồng mình là người khỏe mạnh, tỉnh táo. Trước đây, ông cùng bà trồng lúa cả mẫu để nuôi đoàn con ăn học. Không những xông xáo trong việc đồng áng, ông Quang còn làm thêm nghề buôn cá giống kiếm thêm thu nhập.
Bình thường, ông Quang cũng được mọi người đánh giá là hiền lành, sống chan hòa với bà con lối xóm. Do vậy, chuyện ông mất tích ngay trong đám cưới con gái ở miền Tây khiến nhiều người khó hiểu. “Nếu một người bình thường, dù không nhớ được số điện thoại của vợ con, thì cũng sẽ nhớ quê quán của mình.
Từ đó, sẽ nhờ người khác giúp đỡ để về quê. Đằng này, gần nửa năm trôi qua, nhưng gia đình, anh em họ hàng vẫn không nhận được thông tin gì từ ông ấy cả. Là hàng xóm mà chúng tôi cũng rất lo lắng cho ông ấy. Hy vọng mọi chuyện được bình an”, một người hàng xóm tỏ ra lo lắng cho ông Quang sau thời gian mất tin tức.
Riêng với bà Hồng, lần vào đám cưới con, sau vài ngày tìm kiếm chồng nhưng không được, người phụ nữ này đành bắt xe khách quay trở lại Nghệ An. Suốt dọc đường dài, bà luôn bồn chồn, lo lắng cho chồng mình. Ông bà vốn nhà quê chân chất, ít đi xa, ít giao tiếp bên ngoài nên mối quan hệ xã hội bị bó hẹp. Chồng mất tích “bí ẩn” nhưng bà chỉ biết chờ đợi và hy vọng. Ngồi lục lại các giấy tờ tùy thân của chồng, bà Hồng thở dài: Không biết hiện ông ấy đang ở đâu. Hôm trước khi lên đường vào miền nam, ông có nhắc đứa cháu “đi đứng cẩn thận kẻo bị lạc” thì nay chính ông ấy lại bị lạc, không biết điều đó có điềm gì không. Mong sao ông ấy vẫn bình an vô sự để nhanh về với mẹ con tôi"- bà Hồng bày tỏ.