Theo ông Vlach, khi hạn ngạch nhập cư bắt buộc bắt đầu được đưa ra thảo luận hồi đầu năm 2015, không ai nghĩ rằng vấn đề này lại ngày càng phức tạp và trở thành nhân tố chia rẽ EU; cuối cùng, thực trạng này đã xảy ra trong EU.
Bỏ hạn ngạch bắt buộc?
Tuy nhiên, nguyên nhân không phải do Brussels mà bắt nguồn từ việc Nhóm V4 - gồm CH Czech, Slovakia, Ba Lan và Hungary - kiên quyết phản đối cơ chế này. Trong khi EU khuyến khích các nước V4 chấp nhận tiếp nhận người nhập cư từ các trung tâm ở Italy và Hy Lạp thì các nước thành viên nhóm này lại nhấn mạnh vấn đề bảo vệ biên giới ngoài của EU và giải quyết vấn đề di cư ngay từ quốc gia “gốc”. Đầu tháng 12/2017, V4 đã nhất trí sẽ khởi động một dự án chung nhằm tăng cường bảo vệ biên giới Libya và cải thiện tình hình người tị nạn tại đây. Trước đó, V4 cũng đóng góp tài chính vào quỹ của EU dành cho châu Phi cũng như trực tiếp viện trợ phát triển cho các nước khu vực này.
Các động thái gần đây cho thấy chính sách nhập cư của tân Thủ tướng Andrej Babis không khác nhiều so với người tiền nhiệm Bohuslav Sobotka. Ngay từ giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu, Praha đã theo đuổi chính sách phản đối cơ chế tiếp nhận người nhập cư theo hạn ngạch bắt buộc. Chính sách này có thể xuất phát từ tâm lý phản đối người nhập cư gia tăng trong xã hội Czech. Theo kết quả thăm dò dư luận tháng 12/2017 của hãng CVVM, có tới 80% người Czech phản đối việc tiếp nhận người nhập cư.
Quan điểm mà chính phủ Czech và các nước V4 đưa ra là hệ thống phân bổ người nhập cư theo hạn ngạch bắt buộc không hiệu quả. Trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng 4/2017, cựu Thủ tướng Czech Sobotka khẳng định: “Chúng tôi tin rằng cơ chế phân bổ người nhập cư theo hạn ngạch sẽ không có tác dụng. Cho dù được tái định cư ở các nước khác nhau, nhưng người nhập cư sẽ không sinh sống ở đó mà di chuyển khắp EU”. Mặc dù vậy, quan điểm “cơ chế phân bổ người nhập cư theo hạn ngạch chắc chắn không có hiệu quả” mà Czech và các nước V4 lặp đi lặp lại không có cơ sở. Đến nay, các nước V4 vẫn chưa phải đối mặt với thực trạng đa số người nhập cư sau khi được tái định cư theo cơ chế trên tìm cách sang Đức hoặc di chuyển khắp châu Âu.
CH Czech đã từng tiếp nhận 12 người nhập cư từ Hy Lạp. Một quan chức giấu tên của Bộ Nội vụ Czech khẳng định rằng những người này hiện vẫn ở Czech và không có ý định di cư sang các nước Tây Âu. Một số đang sinh sống ở thủ đô Praha, có việc làm ổn định với mức lương khá tốt. Slovakia cũng đã tự nguyện tiếp nhận 16 người nhập cư và cho đến nay, chưa phát sinh vấn đề gì đối với số này. Trong khi đó, Hungary từng chấp nhập người nhập cư từ khu vực Đông Nam Âu và Ba Lan cũng tiếp nhận những người Chechnya đến từ Nga. Hiện không có thông tin về bất cứ vấn đề nào mà hệ thống di trú các nước V4 phải đối mặt liên quan đến việc tiếp nhận người nhập cư nêu trên.
Điều chỉnh chính sách
Một số báo chí đã đề cập đến nỗ lực thất bại của Czech trong việc tái định cư 153 người Thiên chúa giáo đến từ miền Bắc Iraq. Trong tổng số 89 người Iraq đã tới Czech, có 25 người sang Đức và 8 người quay trở lại Iraq. Sau đó, Bộ Nội vụ Czech đã hủy bỏ chương trình tái định cư này trong năm 2016. Mặc dù vậy, chuyên gia Vlach cho rằng việc tái định cư một cộng đồng khác với tái định cư người tị nạn tại các trung tâm ở Hy Lạp và Italy. Tại miền Bắc Iraq, mức sống thường cao hơn so với ở Czech. Những người Thiên chúa giáo ở đây khá sung túc và họ hy vọng sẽ tìm kiếm được cuộc sống tốt hơn các điều kiện mà Czech có thể đáp ứng. Cũng không loại trừ khả năng những người này đã thống nhất từ trước về đích đến cuối cùng là Đức. Gần đây, Nghị sỹ đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Czech (KDU-CSL) Ondrej Benesik khẳng định: “Tôi đã thăm các trung tâm tiếp nhập người nhập cư ở Bavaria (Đức) và nhiều lần trao đổi với đại diện Văn phòng hỗ trợ người nhập cư châu Âu (EASO) ở Malta. Người nhập cư không mong muốn tới Czech”.
Ông Vlach cho rằng luận điệu trên đã và đang được sử dụng khá thường xuyên tại Czech. Điều này cũng có thể được nghe thấy từ những người từng sinh sống tại các trung tâm tiếp nhận người nhập cư Idomeni (Hy Lạp) hay ở biên giới Serbia-Croatia. Tuy nhiên, đó là thời điểm năm 2016. Hiện nay, sau hơn hai năm bị kẹt trong các trại tiếp nhận tại Italy là Hy Lap, đa phần người nhập cư sẽ chấp nhận bất cứ giải pháp nào nhằm thoát khỏi thực trạng này. Trong khi đó, Czech đủ khả năng để triển khai một dự án “tiên phong” tái định cư khoảng 200 người nhập cư từ Hy Lạp và Italy.
Chuyên gia Vlach cho rằng việc điều chỉnh chính sách nhập cư theo hướng này sẽ mang lại lợi ích cho CH Czech. Thứ nhất, nếu dự án trên phát huy hiệu quả, nhiều khả năng Ủy ban Châu Âu sẽ rút đơn kiện Czech (gồm cả Ba Lan và Hungary) lên Tòa án Công lý châu Âu về việc không tuân thủ quy định phân bổ nhập cư theo hạn ngạch trong EU. Xã hội Czech sẽ trở nên cởi mở hơn, xóa đi “nỗi lo sợ vô hình” tồn tại bấy lâu nay.
Người dân Czech sẽ thấy những người nhập cư Hồi giáo không phải là những kẻ giết người manh động và việc chung sống bình thường với họ là hoàn toàn có thể. Các nguy cơ phát sinh liên quan đến việc tiếp nhận người nhập cư, chẳng hạn như mối đe dọa khủng bố, có thể bị loại bỏ thông qua việc kiểm tra kỹ những người nhập cư được tiếp nhận. Thứ hai, nếu người nhập cư sau khi được tái định cư ở Czech thực sự rời sang Đức, Praha sẽ có cơ sở vững chắc để tiếp tục phản đối cơ chế phân bổ người nhập cư theo hạn ngạch bất chấp sức ép từ EU…