Thúc đẩy chuyển đổi số
Theo ông Phạm Đức Long, năm 2018, VNPT đã tiến hành chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số với mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu Việt Nam và là Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.
Để hiện thực hóa chiến lược, VNPT đã xây dựng giải pháp, dịch vụ số theo mô hình hệ sinh thái dựa trên các nền tảng dịch vụ số mà VNPT đang xây dựng như nền tảng media và dịch vụ truyền hình, Chính phủ điện tử, tích hợp Đô thị thông minh, IoT…
Trong năm 2018, VNPT đã tham gia tích cực và hiệu quả trong việc cùng xây dựng, thiết lập hạ tầng số, xây dựng các nền tảng số có phạm vi ứng dụng ở tầm quốc gia, tham gia thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực trọng yếu của đất nước như xây dựng Chính phủ Điện tử, Y tế, Giáo dục, thông minh… thông qua việc cung cấp nhiều bộ giải pháp, ứng dụng cho các cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp, bám sát các nội dung Đề án Chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đang xây dựng. VNPT cũng có nhiều ý kiến đóng góp cho Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam.
Ông Phạm Đức Long - Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT. |
Trong giai đoạn tới, VNPT tiếp tục hỗ trợ các Bộ, ngành, chính quyền địa phương hoàn thiện khung kiến trúc số; Tập trung xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu mở trên cơ sở kế thừa, tích hợp, chuẩn hóa và chia sẽ các nguồn dữ liệu đa dạng, phong phú đã được hình thành tại các đơn vị.
Tập đoàn VNPT sẽ phân tích và chủ động đề xuất với một số địa phương, bộ ngành có điều kiện phù hợp, từng bước hoàn thiện, xây dựng các mô hình chuẩn cho việc thực hiện chuyển đổi số tại các địa phương; Hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ và hợp tác với các Ngành, các Tập đoàn kinh tế trọng điểm (EVN, Petrolimex, VICEM…) để cùng thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.
Làm chủ công nghệ lõi
Mặt khác, VNPT cũng đã bắt tay với các đối tác công nghệ lớn để xây dựng các phòng nghiên cứu công nghệ cao để phục vụ cho sự chuyển mình này.
"Chúng tôi đã làm chủ được công nghệ và đang tập trung phát triển các ứng dụng, giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam" - ông Long cho biết.
Trong thời gian qua, VNPT đã tập trung vào xây dựng nhiều bài toán về công nghệ 4.0. Cụ thể như: bài toán AI về thị giác (Vision), công nghệ nhận dạng quang (AI/OCR), xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP, Dữ liệu lớn BigData... đã ứng dụng trong các sản phẩm nội bộ của VNPT và nhiều dòng sản phẩm công nghệ thông tin mà VNPT đang cung cấp cho khách hàng.
Đó là những ứng dụng tiêu biểu như: Ứng dụng nhận dạng hướng dẫn viên du lịch giả; Ứng dụng đo đếm phương tiện giao thông; ứng dụng nhận dạng chứng minh thư nhân dân và ảnh chân dung phục vụ việc cập nhật thông tin khách hàng theo Nghị định 49, ứng dụng số hoá tài liệu, văn bản trong các cơ quan, tổ chức...
Năm 2019, VNPT sẽ tập trung đẩy nhanh việc nghiên cứu, triển khai các công nghệ 4.0 cốt lõi, cung cấp ra thị trường dịch vụ nền tảng tương tác số dựa trên công nghệ thực tại ảo, thực tại tăng cường (AVR), nhằm đưa công nghệ AVR trở nên phổ thông và bình dân ở thị trường Việt nam, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đồng thời, tập đoàn này sẽ xây dựng và phát triển hệ sinh thái số thông minh (Innovative Digital Ecosystem) dựa trên các công nghệ cốt lõi như AI, BigData, BlockChain, Cloud, Cyber Security... mà VNPT đã và đang phát triển. Trái tim của hệ sinh thái này là cơ sở dữ liệu lớn mà VNPT đang nắm giữ. Đây là một nền tảng mở để VNPT cung cấp cho các doanh nghiệp bên thứ 3 có thể sử dụng các công nghệ 4.0 của VNPT để cung cấp cho khách hàng.
Trong năm 2019 đơn vị này sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số cho các bộ, ngành, tỉnh thành và doanh nghiệp. |
VNPT sẽ ứng dụng các công nghệ trong hệ sinh thái số của mình để chuyển đổi số trong nội bộ tập đoàn, áp dụng công nghệ này vào các sản phẩm đang cung cấp cho khách hàng như Y tế, giáo dục, chính quyền điện tử...
Mặt khác, theo ông Long, VNPT đang tiếp tục thực hiện quy hoạch và triển khai mạng 4G, nâng cao trải nghiệm khách hàng; tích cực nghiên cứu, sẵn sàng cho triển khai 5G; đầu tư mở rộng cáp quang đáp ứng nhu cầu phát triển các dịch vụ băng rộng, tạo nền tảng truy nhập Internet tốc độ cao phục vụ chuyển đổi số; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm công nghiệp…/.
VNPT lọt Top 3 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018
Theo Brand Finance, VNPT nằm trong Top 3 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam trong năm 2018 và cũng là doanh nghiệp duy nhất có 2 thương hiệu nằm trong Top 10 là VNPT và Vinaphone.
Cụ thể, VNPT giữ vững vị trí Top 3 trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam 2018 cùng với Viettel và Vinamilk. Giá trị thương hiệu của VNPT năm 2018 được định giá là 1,339 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017. Cùng với thương hiệu VNPT, thương hiệu VinaPhone đứng thứ 7 trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam 2018, tăng 15% so với năm 2017.
Trước đó, ngày 23/8/2018, Forbes Việt Nam đã vinh danh 40 thương hiệu công ty Việt Nam giá trị nhất 2018. Theo đó, thương hiệu VNPT được xếp ở vị trí thứ 3 và thương hiệu VinaPhone xếp ở vị trí thứ 6 trong Top 40 thương hiệu công ty Việt Nam giá trị nhất 2018.