Đến hẹn lại lên. Sản xuất vụ đông, nông dân lại khổ vì thiếu nước tưới. Đây là nghịch lý khi thành phố khuyến khích, vận động nông dân phát triển trồng cây vụ đông.
Sửa trạm bơm
4 giờ chiều ngày 1-11, dọc trục đường 10 cũ (đoạn qua khu cánh đồng Giồng xã Thủy Đường (Thủy Nguyên), 6 – 7 người thay nhau múc và gánh nước từ cống nước thải ven đường. Bà con cho biết, cũng áy náy lắm và cùng lắm mới phải lấy nước này tưới…rau. Địa phương sửa lại trạm bơm và mương nên cánh đồng Giồng không có nước sản xuất dẫn đến tình trạng toàn bộ diện tích rau đang trồng thiếu nước. Thời điểm này, ngày nào cũng vậy, mọi người thay phiên nhau đi lấy nước tưới. Cũng có thể lấy nước “sạch” hơn ở hào, nhưng xa ruộng như thế này, lấy nước ở cống tiện hơn. Trung bình để tưới 2 sào rau, cần ít nhất 30 gánh nước. Phía trong cánh đồng, nhiều gia đình huy động các phương tiện xe đạp, xe bò để đi lấy nước. Cũng có thể thuê bơm dầu với giá 50.000 đồng/1 lần bơm/1 sào. Nhưng nếu thuê thì sẽ không còn lãi ( đó là trong trường hợp rau thu hoạch được giá).
![]() |
Bất đắc dĩ lấy nước cống tưới rau. |
Các hộ dân canh tác trên cánh đồng thông cảm khi địa phương xây sửa lại trạm bơm. Nhưng lo lắng khi thời gian xây, sửa được thông báo ít nhất cũng mất 2 tháng. Không biết trong 2 tháng này, sẽ lấy nước ở đâu để tưới? cây trồng sẽ ra sao?.
Thức khuya, dậy sớm để tát nước
5 giờ chiều trên cánh đồng ở xóm 1 (Thủy Triều, Thủy Nguyên), người dân phải múc từng gáo nước nhỏ trên lòng mương như kín bèo, tro rơm và cạn đặc. Một số người dân phản ánh, HTX mới bơm nước cách đây một tuần, nhưng giờ đã cạn khô. Không ít nhà dậy từ 3 giờ sáng để tát nước. Trước đây, chỉ 10 phút có thể tưới xong 1 sào, thì giờ đây thời gian múc nước tưới cũng đã mất hơn thế. Thời gian này những năm trước, rau cải lên xanh, giờ đây cải trồng héo quắt. Trước tình trạng này, không ít người bỏ ruộng và đến giờ không ít diện tích đất canh tác còn trơ gốc rạ.
Trong khi đó, theo phản ánh của người dân nơi đây, mỗi vụ người dân đều đóng tiền bơm nước và dịch vụ cho HTX. Vụ này chưa thấy thu. Song từ trước đến nay mùa mưa cũng như mùa nắng, người dân đều phải nộp khoản tiền này.
Và nhiều lý do khác
Ở một số địa phương khác, xảy ra tình trạng thiếu nước vì các dự án phá vỡ hệ thống thủy lợi. Không ít địa phương, hệ thống kênh mương chưa được kiên cố hóa 100%, trong khi giờ bơm nước bị giới hạn và hạn chế. Đó chưa kể đến chất lượng các công trình thủy lợi.
Người dân mong các ngành chức năng thành phố có chính sách, cơ chế thiết thực hơn, hỗ trợ hoạt động sản xuất của nông dân. Bên cạnh đó, khi ban hành một chính sách rất cần có sự giám sát, kiểm tra xem chính sách đó đã thực sự được triển khai ở cơ sở và đến với nông dân hay chưa.
Minh Châm