Những ngày “hạnh phúc lang thang”
Tôi chẳng hiểu lắm, nhưng dường như tờ báo phải tự chủ ngay từ đầu, ngay sau khi mới thành lập. Tất nhiên, ban đầu, báo được “ở tạm” một thời gian thuộc “khu vực công sản” tại 25 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội.
Là người gắn bó với Báo PLVN ngay từ đầu, với tư cách là cộng tác viên (CTV) của Báo, tôi cũng có được “hạnh phúc lang thang” cùng anh chị em. Cát Linh, Thái Hà, Phan Văn Trị, Quốc Tử Giám... trước khi “định đô” trên đường Nguyễn Chí Thanh như bây giờ.
Báo PLVN bước vào tuổi 35 thì tôi cũng đã cộng tác với Báo 33 năm. Nhiều người “lạ kỳ” hỏi, vì sao cộng tác với Báo PLVN bền bỉ như vậy và đến bây giờ vẫn viết? Có lẽ tôi là cộng tác già hiếm hoi còn lại của hành trình ấy. Câu trả lời có lẽ là “cái duyên” với Báo.
Và “cái duyên” ấy vận vào thành thủy chung, có lẽ vì pháp luật, với tư cách là một thành tố của văn hóa, là điều tôi say mê. Đó là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ là cái tình của những người làm báo PLVN, từ lãnh đạo đến nhân viên.
35 năm phát triển, từ mỗi tháng 2 số rồi tuần ra 1 số, sau đó thêm phụ trương “Pháp luật cuối tháng”, rồi trở thành “nhật báo” ra hàng ngày. Từ chỗ nhân lực chỉ vài người cho đến hiện đã có đội ngũ gần 300 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, CTV; 16 đơn vị cấp phòng, ban chuyên môn; 15 cơ quan, văn phòng đại diện; 11 ấn phẩm báo giấy và điện tử, truyền hình, hoạt động 24/24h phục vụ nhu cầu bạn đọc cả nước từng phút, từng giờ… quả là dấu ấn.
Nhà báo Ngô Đức Hành (ngoài cùng bên trái) được vinh danh là cộng tác viên tiêu biểu của Báo PLVN. |
Nhớ lại những ngày đầu, Báo PLVN chưa có đội ngũ phóng viên, rường cột là biên tập viên, bài vở chủ yếu trông cậy vào CTV; cho đến hiện nay, Báo PLVN 35 năm phát triển, Báo đã xây dựng được đội ngũ những người làm báo có trình độ, bản lĩnh, nhiều cây bút có chất lượng, trang bị công nghệ làm báo hiện đại, ngày càng đáp ứng yêu cầu của hoạt động báo chí.
35 năm Báo PLVN đã kiên trì nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu về thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, góp phần xây dựng văn hóa pháp luật Việt Nam.
Là tờ báo thuộc ngành nội chính, tất nhiên Báo PLVN đã tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, là nguồn thông tin quan trọng cho các cơ quan giải quyết nhiều vụ việc, có những bài báo đã gây tiếng vang, đạt giải báo chí quốc gia và nhiều giải thưởng khác.
Từ chỗ “gánh hát rong” đã trở thành thế lực
Tôi là người viết báo nội chính, tình cảm trong tôi với Báo PLVN luôn là tính chiến đấu, tình nghĩa thủy chung trên trận tuyến chống tiêu cực. Bao năm đã đi qua, nhưng những vụ việc ở Vimedimex, Vụ Quản lý dược (Bộ Y tế), chặt phá gỗ Pơ mu (Lào Cai), hóa giá nhà trái phép ở Đà Lạt (Lâm Đồng), EPCO – Minh Phụng... là những bài viết nóng bỏng mà tôi được cùng Báo PLVN thực hiện.
Sẽ không có gì to tát, không cần thiết phải kể lể, nếu không nhắc đến những “phản kháng” của đối tượng trong bài viết. Đã có lúc, đối tượng được phản ánh kéo đến Tòa soạn dọa nạt, đe dọa, kích động... Tuy nhiên, lãnh đạo Báo PLVN trước những hoàn cảnh như vậy luôn tỏ rõ bản lĩnh của những người làm báo có tính chiến đấu, trách nhiệm và xây dựng. Điều đó mang đến cho CTV niềm tin vào những điều mình thực hiện và xác định trách nhiệm đối với tờ báo.
Báo PLVN ngày càng lớn mạnh, trở thành một “thương hiệu” lớn trong lĩnh vực báo chí. Sứ mệnh truyền thông của Báo PLVN không chỉ ở nhiệm vụ thông tin pháp luật mà còn thể hiện qua các công tác xã hội ngày càng lan tỏa.
Phải nói rằng, sau 35 năm nỗ lực phấn đấu phát triển, Báo PLVN đã có dấu ấn và thực sự có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống báo chí cách mạng, cũng như có sức sống trong lòng bạn đọc. Đó là nỗ lực rất lớn của tập thể những người làm báo PLVN, tầm nhìn của Ban Biên tập và sự đóng góp của các tổ chức đoàn thể trong Tòa soạn.
Sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam còn dài nhưng với việc thực hiện sứ mệnh “phổ biến giáo dục pháp luật”, Báo PLVN đã góp phần xứng đáng. Tất nhiên, con đường phía trước Báo PLVN còn phải tiếp tục vươn lên xứng đáng với vị thế và kỳ vọng.
Chia vui cùng Báo PLVN, từ chỗ “gánh hát rong” đã trở thành thế lực. Nếu như đời người “tam thập nhi lập”, có nghĩa là khi người ta tới 30 tuổi thì sức tự thân lập nghiệp mới có thể chắc chắn và vững vàng. Với tổ chức, ở đây là Báo PLVN, ở ngưỡng 35, không chỉ như thế mà đã đạt được nhiều chữ vàng, với riêng tôi, nhận thấy đó là “chắc chắn – vững vàng – lan tỏa”. Rất mừng.