Khỏi phải nói, vụ nhập hơn 9.000 hộp thuốc chữa ung thư giả của Nguyễn Minh Hùng - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma đã làm “dậy sóng” dư luận. Dẫu biết tham nhũng đang làm băng hoại các giá trị đạo đức của xã hội; nhưng lừa dối, “ăn cắp” của người bệnh, “kinh doanh” trên nỗi đau của đồng loại thì gây căm phẫn là đương nhiên.
Cụ thể, năm 2013-2014, Hùng đặt Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) mua thuốc tân dược của Công ty Helix Pharmaceuticals Canada sản xuất để cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong đó có 9.300 hộp thuốc H - Capita 500mg Caplet để chữa bệnh ung thư. Do không có hồ sơ kỹ thuật, tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc để nộp cho Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thẩm định theo quy định, Hùng chỉ đạo nhân viên làm hồ sơ kỹ thuật thuốc H - Capita 500 mg giả. Hồ sơ gồm các giấy tờ được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada… để hợp thức hóa tiêu chuẩn và chất lượng loại thuốc này.
Nguyễn Minh Hùng và đồng bọn sẽ bị nghiêm trị, nhưng câu chuyện đáng nói hơn sau vụ án này là gì?
Vụ án cho thấy vấn đề đáng bàn hơn sau vụ án. Trên diễn đàn Quốc hội, năm 2015 khi thảo luận về Luật Dược (sửa đổi) đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều về nội dung công khai, minh bạch trong quản lý giá thuốc nhưng không thấy bàn đến công khai, minh bạch trong việc nhập khẩu thuốc chữa bệnh vào Việt Nam.
Luật Dược 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã quy định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong hoạt động kinh doanh dược. Năm 2008, Cục Quản lý dược là 1 trong 5 đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế được chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào công tác tác nghiệp; tuy nhiên qua câu chuyện Công ty Cổ phần VN Pharma nhập khẩu thuốc ung thư giả vào Việt Nam cho thấy câu chuyện về công khai, minh bạch, thanh tra, kiểm soát từ khâu nhập khẩu nguyên liệu dược, thuốc vào Việt Nam còn nhiều sơ hở, thiếu sót.
Chừng nào chưa có công khai, minh bạch, không có cơ chế giám sát quyền “xin – cho”, chưa thay thế “xin – cho” bằng đấu thầu rộng rãi và thanh tra, kiểm tra có hiệu lực, hiệu quả (không phải thanh tra để cấp thêm giấy “bảo hành”) thì chừng đó tiêu cực trong ngành Dược chưa được kiểm soát.
Công ty dược phẩm ngoài nước nào được đăng ký hoạt động ở Việt Nam; công ty nào được cấp bao nhiêu số đăng ký thuốc được phép nhập khẩu vào Việt Nam, chất lượng thuốc nhập khẩu như thế nào? Những cái vòi “bạch tuộc” trong lĩnh vực kinh doanh, nhập khẩu dược phẩm và thuốc chữa bệnh cần phải được kiểm soát. Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược khẳng định cấp phép nhập khẩu thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Tất nhiên, câu trả lời làm được hay không, không thuộc về phía người dân./.