Cầu Thủ Thiêm 2 có thể phải tạm dừng thi công

Cầu Thủ Thiêm 2 đã thi công được khoảng 70% khối lượng. ẢNH: ĐỘC LẬP
Cầu Thủ Thiêm 2 đã thi công được khoảng 70% khối lượng. ẢNH: ĐỘC LẬP
(PLVN) - Được kỳ vọng giúp giảm áp lực giao thông ở các quận phía đông vào trung tâm TP HCM, nhưng cầu Thủ Thiêm 2 có thể phải tạm dừng thi công vì chủ đầu tư không thu xếp được nguồn vốn.  

Dự án (DA) cầu Thủ Thiêm 2 (kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2 với khu trung tâm TP HCM) khởi công năm 2015, vốn đầu tư 3.082 tỉ đồng. Công trình dài hơn 1,4 km, trong đó phần cầu dài 886 m với 6 làn xe. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng gặp nhiều vướng mắc nên được gia hạn đến tháng 9.2021.

DA này được chấp thuận cho Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (Công ty Đại Quang Minh) làm chủ đầu tư, theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Nhà đầu tư đã chi trả khoảng 2.146 tỉ đồng

Ngày 15.9, Công ty Đại Quang Minh có công văn gửi UBND TP HCM xem xét ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện các DA BT và sớm giải quyết thanh toán theo hợp đồng BT DA 4 tuyến đường chính và DA cầu Thủ Thiêm 2 (nối Q.2 và Q.1) để công ty tiếp tục tổ chức thi công.

Ùn tắc giao thông ở cửa ngõ trung tâm

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đường Nguyễn Hữu Cảnh là 1 trong những trục giao thông huyết mạch từ các quận phía đông TP HCM như Q.2, Q.9 và Thủ Đức vào trung tâm Q.1. Do lượng phương tiện lớn, nên thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm ở nút giao Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng (Q.1). Khi triển khai xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, TP HCM đặt mục tiêu DA này sẽ góp phần giải quyết trình trạng ùn tắc trên. Song, mặc dù đã chậm trễ tiến độ 2 năm, nhưng hiện DA vẫn đang có nguy cơ tạm dừng thi công do chủ đầu tư không thu xếp được nguồn vốn.

Theo báo cáo của Công ty Đại Quang Minh, hiện nay do TP HCM chậm thanh toán bằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của các DA khác, dẫn đến ngân hàng tài trợ vốn từ chối giải ngân tiếp cho các DA; trong đó có DA cầu Thủ Thiêm 2. Điều này dẫn đến việc công ty đã và đang thi công cầm chừng và sẽ phải tạm dừng thi công cầu Thủ Thiêm 2 nếu không thu xếp được nguồn vốn thực hiện.

Đến thời điểm này, Công ty Đại Quang Minh đã chi trả khoảng 2.146 tỉ đồng cho việc đầu tư DA cầu Thủ Thiêm 2. Trong đó, công ty đã nộp 800 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước từ tháng 4.2014, và 1.346 tỉ đồng là khối lượng giá trị đã hoàn thành theo tiến độ (tương ứng với 70% giá trị xây lắp của DA). Ngoài ra, phần hạng mục cầu chính nhịp dây văng phía Q.2 hiện nay đã thi công hoàn thành toàn bộ kết cấu dầm bê tông cốt thép, kết cấu trụ tháp S2 giữa sông đã thi công được 27/34 đốt trụ tháp, đã hoàn thành sản xuất 100% dầm thép tại bãi và lắp đặt được 11/17 đốt. Phần vật tư dây văng cũng đã được nhà thầu nhập khẩu 100% khối lượng từ châu Âu, đã tập kết tại công trường và công tác thi công căng cáp dây văng đã đạt 36/56 bó cáp...

Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Liên quan việc có thể tạm dừng thi công cầu Thủ Thiêm 2 do không thu xếp được nguồn vốn, theo báo cáo của Công ty Đại Quang Minh gửi UBND TP HCM, kế hoạch từ nay đến cuối năm 2020, để đạt được mục tiêu hợp long và thông xe kỹ thuật, công ty cần tiếp tục giải ngân hơn 1.100 tỉ đồng cho các nhà thầu. Công ty đã có các văn bản kiến nghị UBND TP HCM và các sở ngành liên quan xem xét thanh toán bằng việc cấp GCNQSDĐ cho các DA khác, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Chậm trễ có thể dẫn đến phát sinh chi phí

Trước đó trong tháng 8.2020, qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã nhận xét quá trình tổ chức thực hiện và quản lý chi phí của 3 DA BT trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gồm: xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ); xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 và DA xây dựng 4 tuyến đường chính (do Công ty Đại Quang Minh là chủ đầu tư) cơ bản tuân thủ các chính sách, chế độ, quy định pháp luật của nhà nước và hợp đồng BT. Theo đó, đối với dự án cầu Thủ Thiêm 2, đến nay nhà đầu tư chưa được xác nhận khối lượng và giá trị để thực hiện việc cấp GCNQSDĐ. Việc chậm thanh toán có thể dẫn đến phát sinh chi phí của dự án theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết.

Việc chậm cấp giấy chứng nhận chủ quyền sử dụng đất dẫn đến các ngân hàng tài trợ vốn đã từ chối giải ngân tiếp cho DA của Công ty Đại Quang Minh theo cam kết tại hợp đồng tín dụng đã ký. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Mặt khác, để trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và chi phí đầu tư các DA BT, Công ty Đại Quang Minh đã vay vốn của công ty mẹ là THACO gần 7.500 tỉ đồng để thanh toán cho các đơn vị thi công, trong đó có DA cầu Thủ Thiêm 2 (2.146 tỉ đồng), xây dựng 4 tuyến đường (4.380 tỉ đồng do chưa được thanh toán bằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên cũng không thể tiếp tục vay vốn của công ty mẹ.

Đại diện Công ty Đại Quang Minh cho biết trong văn bản gửi UBND TP HCM, chủ đầu tư cũng kiến nghị TP kịp thời tháo gỡ các khó khăn trên trong tháng 9.2020. Đồng thời công ty sẽ cố gắng đưa ra các giải pháp để khắc phục khó khăn, tập trung mọi nguồn lực và chủ động thuyết phục Tổng công ty Ba Son tạm bàn giao mặt bằng (phía Q.1) để tập trung thi công và nỗ lực hoàn thành, sớm đưa vào khai thác cầu Thủ Thiêm 2.

Ngày 21.9, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP HCM, cho biết dự kiến ngày 25.9, UBND TP họp bàn tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng như một số DA hạ tầng quan trọng ở khu đô thị này, trong đó có DA cầu Thủ Thiêm 2. Theo ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP HCM, riêng khó khăn về mặt bằng tại DA cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được giải quyết trước ngày 15.10 để công trình tiếp tục thi công.

Đọc thêm

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".

Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội: Cần có các đột phá về cơ chế, chính sách

Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội: Cần có các đột phá về cơ chế, chính sách
(PLVN) - Đây là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Hà Nội tổ chức sáng 11/4. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.