Góp phần lan tỏa thương hiệu Việt
Tại một phiên tọa đàm về thương hiệu Việt Nam trong Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định, thành tựu hết sức to lớn của Việt Nam trong những năm qua là kết quả của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Trong đó có sự đóng góp và vai trò hết sức quan trọng của cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt là cộng đồng các doanh nhân người Việt đang hoạt động ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Thứ trưởng Hiệu, cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với kiến thức, kinh nghiệm và tình yêu quê hương đã vượt qua nhiều thách thức để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến các nước sở tại. Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Trong đó, một số trung tâm thương mại (TTTM), chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với doanh nghiệp (DN) trong nước.
Bên cạnh đó, cộng đồng này cũng có thể hỗ trợ các cơ quan, DN trong nước tìm hiểu về hệ thống luật pháp các nước, thị hiếu của người bản địa nhằm chọn lọc và đưa những sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối nước sở tại. Thậm chí đưa cả các sản phẩm Việt Nam lên các nền tảng giao dịch trực tuyến quốc tế giúp được biết đến rộng rãi hơn.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; Phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Nguồn lực, tiềm năng lớn quảng bá thương hiệu Việt
Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội doanh nhân Việt Nam tại châu Âu cũng cho rằng, với hơn 5 triệu kiều bào đang sinh sống tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đây sẽ là cầu nối cực tốt để sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam thâm nhập vào thị trường nước ngoài. “Đây là nguồn lực, tiềm năng lớn về nhiều mặt, trong đó có hoạt động quảng bá, đưa hàng hoá ra thị trường các nước” - ông Huê nói.
Cụ thể, tại châu Âu (EU), cộng đồng người Việt có thể mang hàng hoá, quảng bá thương hiệu Việt qua việc trực tiếp kinh doanh hàng hoá Việt tại khu vực các nước EU. Có 80% người Việt làm ăn kinh doanh tại Đông Âu thông qua nhập khẩu trực tiếp hàng hoá của Việt Nam vào EU, phân phối trực tiếp tới tay người tiêu dùng (NTD) hoặc đưa vào hệ thống cung ứng của các DN nước sở tại.
Trung tâm thương mại Sa Pa (Cộng hòa Séc) thuộc sở hữu của người Việt. |
Ông Huê khẳng định, hệ thống kiều bào có thể quảng bá, đem hàng hoá thương hiệu Việt Nam vào EU thông qua các hệ thống TTTM của người Việt. “Chúng tôi rất tự hào thời gian qua đã xây dựng được những TTTM do người Việt làm chủ hết sức quy mô, vốn đầu tư lên đến nhiều trăm triệu USD như ở Ba Lan có 4-5 trung tâm, Cộng hòa Séc có những TTTM kết hợp là chợ, Đức cũng đã có các khu trung tâm quy mô vừa” - ông Huê nói.
Cũng theo ông Huê, dù là những DN nhỏ và vừa nhưng những DN Việt tại nước ngoài sở hữu những công ty rất đáng tự hào như công ty có thương hiệu trong lĩnh vực đồ cao cấp thể thao ở Cộng hoà Séc được định giá 400-500 triệu USD. Ở Ba Lan có một công ty do người Việt làm chủ, chuyên nhập khẩu các sản phẩm nông thuỷ sản. Đáng chú ý, doanh nhân Việt này nằm trong top 100 người giàu nhất tại Ba Lan. Ngoài ra, còn có những trang thương mại điện tử được định giá lớn, có thể lên tới khoảng 50 triệu USD.
Các ông chủ người Việt này đều có quan hệ chặt chẽ với nhiều chuỗi cung ứng và quan hệ với các thương hiệu khác của nước sở. Nếu DN trong nước tận dụng và đưa được các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam qua EU thông qua những ông chủ này thì con đường chinh phục người tiêu dùng EU sẽ được rút ngắn đáng kể. Chưa kể, cơ hội để giới thiệu văn hoá đặc sắc, các mặt hàng truyền thống tiềm năng của Việt Nam thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá tại EU cũng đưa thương hiệu Việt vào với người tiêu dùng EU dễ dàng hơn.
Ngoài ra, kiều bào còn là nguồn thông tin quý với các DN trong nước đặc biệt với các DN nhỏ không có điều kiện tiếp cận thị trường. Những thông tin về thị trường, thị hiếu, thuần phong mỹ tục, luật pháp kinh doanh đều đòi hỏi những người muốn vào thị trường đó phải nắm rất rõ. Do đó, Việt kiều có thể là nguồn cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước điều này để hàng hoá đáp ứng được các tiêu chí vào thị trường EU.
“Đề nghị các doanh nhân, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới tiếp tục phối hợp cùng Cục Hỗ trợ doanh nghiệp Việt kết nối với các nhà nhập khẩu của nước ngoài, đưa sản phẩm của Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài một cách ổn định và bền vững. Cùng với đó, chung tay với chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam triển khai các hoạt động quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc quảng bá các sản phẩm tốt, sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia với phương châm mỗi Việt kiều là một đại sứ thương hiệu sản phẩm Việt Nam ở địa bàn sở tại” - ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương.