Nghị lực của cậu học trò mồ côi vùng sơn cước
Nhận được tin mình đã đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội, nơi đầu tiên em Xồng Bá Hùa (SN 2002), ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) nhớ đến và gửi lời cảm ơn là Làng trẻ em SOS Vinh (Nghệ An). Đây là ngôi nhà thứ 2 mà em có 9 năm chung sống sau những biến cố của cuộc sống.
Từ bản làng xa xôi giáp nước bạn Lào, Hùa đã viết bức thư khá dài gửi về Làng với nội dung: “Bố ơi, con cảm ơn bố và Làng rất nhiều ạ. Con rất vui khi thấy tên mình trên danh sách trúng tuyển. Con sẽ cố gắng và phấn đấu hơn nữa để không phụ bố và Làng. Con chúc bố và Làng có thật nhiều sức khỏe để giúp chúng con trên con đường tiếp theo ạ”.
Nhận tin nhắn từ Hùa, ông Lê Bá Lương - Giám đốc Làng trẻ em SOS Vinh không giấu được niềm vui. Cũng thế, mọi người trong Làng đều rộn ràng khi nghe tin cậu học trò mồ côi người Mông có tên trong danh sách trúng tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội.
Theo ông Lương, kỳ tích mà Xồng Bá Hùa đạt được cũng là kỳ tích của Làng bởi trong suốt 30 năm thành lập, đây là lần đầu tiên một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, người dân tộc thiểu số được Làng nuôi dưỡng đậu vào trường đại học có tiếng. “Hùa vui một thì chúng tôi hạnh phúc nhiều lần bởi sau bao năm cố gắng em đã bước đầu đạt được thành công. Mọi người rất tự hào và khâm phục nghị lực của em”, ông Lương chia sẻ.
Năm 2012, một biến cố lớn xảy đến với Xồng Bá Hùa. Chỉ trong thời gian ngắn, Hùa mất cả cha lẫn mẹ. Trở thành đứa trẻ mồ côi khi chỉ vừa 9 tuổi khiến Hùa phải chịu nhiều thiệt thòi. Không chỉ phải lo lắng cho bản thân, Hùa còn phải lo cho em gái 6 tuổi. Sống ở vùng biên giới Nghệ An, đời sống người dân còn khó khăn, thiếu thốn trong khi ông bà lại quá nghèo nên 2 anh em Hùa được Làng trẻ em SOS Vinh đón về chăm sóc, nuôi dưỡng.
Xồng Bá Hùa tại bản làng của mình ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An). |
Nhớ lại ngày đặc biệt của hai anh em, Hùa kể: “Đó là một ngày thứ 7, sau khi sắp xếp vài bộ quần áo và một túi sách vở lên ô tô, hai anh em vượt hành trình dài gần 350km rời bản làng xuống TP Vinh, đến Làng trẻ em SOS để sống. Hồi đó cả hai anh em nói tiếng Kinh chưa sõi, nhớ bố mẹ, nhớ ông bà, bản làng nên chỉ biết khóc”.
Tại làng trẻ, hai anh em Hùa được phân về nhà số 14, làm con của mẹ Trần Thị Bình. Với anh em Hùa, mọi thứ ở Làng đều quá lạ lẫm, quá khác xa những gì ở quê nhà. Ở đây, hai anh em được sống trong mái ấm mới, đầy đủ tiện nghi hơn sự thiếu thốn tại quê nhà. Hơn cả, sự quan tâm, động viên của mẹ, các cô, các chú, tình cảm thân tình và sẻ chia của những anh chị trong nhà và trong Làng đã giúp anh em Hùa nhanh chóng hòa mình vào môi trường mới.
Tuy vậy, việc học đối với Hùa vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi từ vùng núi cao xuống, tiếng Kinh chưa nói sõi nên Hùa không thể bắt kịp bạn bè trong lớp. Chán nản, cậu có lúc đòi bỏ học. “Những lúc đó, em được bố Lương, được mẹ Bình, được các chú trong Làng động viên, khích lệ nên dần lấy lại tinh thần. Mọi người nói với em phải học thật tốt, thật giỏi thì sau này cuộc sống mới đỡ vất vả, mới có thể thay bố mẹ lo cho em, chăm sóc cho ông bà”, em Xồng Bá Hùa nhớ lại.
Học hết lớp 9, Hùa rời căn nhà có mẹ và các em để chuyển vào Khu lưu xá thanh niên, bắt đầu với một cuộc sống mới, tự lập hơn. May mắn, ở đó, Hùa có những người chú nghiêm khắc nhưng luôn quan tâm, tận tình chỉ bảo mọi điều từ mọi chuyện trong cuộc sống đến việc học hành.
Cánh cửa tương lai đang rộng mở
Nói về quyết định thi vào ngành y của mình, Hùa chia sẻ ngoài sở thích và năng lực của bản thân cũng có sự định hướng của các thầy cô và các chú trong Khu lưu xá thanh niên. Với Hùa đó là lựa chọn phù hợp với bản thân. Khi đã xác định được mục tiêu, cậu học sinh người Mông ấy càng quyết tâm học tập.
Em luôn tập trung vào việc học và thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu của cuộc đời mình. Ngoài những buổi đến trường, Hùa dành nhiều thời gian cho việc ôn luyện bài tại nhà. Những bài nào không hiểu, em đều nhờ bạn bè, các anh trong khu lưu xá giảng lại. Chính tinh thần ham học đã giúp em dần khắc học những điểm yếu và ngày càng thích việc học hơn.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Xồng Bà Hùa đạt 8,25 điểm Hóa học, 8,4 điểm Toán và 8 điểm môn Sinh học. Với 2,25 điểm ưu tiên, tổng điểm xét tuyển của Hùa là 26,9 điểm, cao hơn mức điểm chuẩn 26,2 điểm của Khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học – Trường ĐH Y Hà Nội mà em đăng ký.
Đến hôm nay, Hùa vẫn còn lưng lưng sau khi biết kết quả của mình. “Em vui lắm. Biết tin em có tên trong danh sách trúng tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội, ông bà nội ngoại, các cậu và chú có mổ lợn liên hoan, mọi người ở Làng gọi điện, nhắn tin lên chúc mừng. Em được như ngày hôm nay là nhờ sự uốn nắn, bảo ban nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương mà Làng dành cho em”, cậu học trò mồi côi cả cha lẫn mẹ vui mừng chia sẻ.
Đậu đại học, nhưng Hùa biết rõ chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn. Em tự hứa phải học thật tốt, cố gắng hơn nữa để không phụ sự mong đợi, kỳ vọng, tin tưởng của “bố Lương, của mẹ Bình, của các chú ở Khu lưu xá thanh niên”. Xồng Bá Hùa tâm sự: “Em sẽ cố gắng học tập, để tìm một công việc ổn định, sau này có thể giúp được những em nhỏ có hoàn cảnh như mình”.
Ông Lê Bá Lương - Giám đốc Làng trẻ em SOS Vinh chia sẻ, sau khi biết tin em Hùa đã đậu trường y, hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của em nên chúng tôi đã kết nối với các nhà hảo tâm để hỗ trợ một phần chi phí ăn ở và học tập, giúp Hùa giảm bớt khó khăn trong thời gian theo học tại Trường ĐH Y Hà Nội. Hy vọng, ở môi trường mới em sẽ sớm thích nghi và học tập thật tốt để không phụ lòng mọi người.
Với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và sự nỗ lực của bản thân, tin rằng cậu học trò người Mông sẽ thực hiện được ước mơ của mình là có nghề nghiệp ổn định và có thể giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.