Linh hồn của người Congo
Rumba Congo, còn được gọi là Rumba Lingala, là một loại nhạc khiêu vũ phổ biến có nguồn gốc từ lưu vực Congo từ những năm 1940. Rumba Congo bắt nguồn từ Cuba và trở nên phổ biến khắp Châu Phi trong những năm 1960 và 1970.
Theo tờ báo tiếng Ả Rập - Al Jazeera (Qatar), Rumba bắt nguồn từ Trung Phi, nhưng nó đã được đưa qua Đại Tây Dương trong quá trình buôn bán nô lệ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Vũ điệu này có nhịp điệu và tiết tấu rõ ràng, âm thanh bắt tai và điệu nhảy mạnh mẽ. Nhờ có nó, những người nô lệ từ Châu Phi có thể kết nối với quê nhà của mình và giữ cho truyền thống của họ luôn tồn tại. Tại thời điểm đó, điệu nhảy múa này được gọi là NKumba.
Maika Munan, một nhà soạn nhạc nổi tiếng người Congo và một chuyên gia Rumba cho biết: "Nhờ truyền từ đời này qua đời khác, người Congo đã có thể bảo tồn lịch sử của mình".
Theo thời gian, NKumba đã trở thành một ảnh hưởng lớn đối với âm nhạc Cuba, được giới thiệu ở Châu Phi vào cuối những năm 1930 với sự phổ biến của các đĩa hát và radio - hay còn được biết đến là đĩa than vinyl. Các nhạc sĩ Congo đã nhận ra nhịp điệu của chính họ trong các giai điệu Cuba và bắt đầu pha trộn chúng với âm nhạc truyền thống của địa phương, dẫn đến việc tạo ra điệu Rumba Congo hiện đại.
Đầu những năm 1940, nghệ sĩ Paul Kamba ở Brazzaville, thuộc Cộng hòa Congo, thành lập Victoria Brazza - một nhóm Rumba tiên phong. Trong khi đó, ở Kinshasa, thuộc Cộng hoà Dân chủ Congo, những nhạc sĩ như Wendo Kolosoy và Henri Bowane là những nghệ sĩ đầu tiên dẫn đầu dòng nhạc Rumba.
Rumba được coi là "lưu giữ linh hồn của người Congo". |
Tuy nhiên, theo Munan, những thập kỷ sau đó mới là "đỉnh cao” của điệu Rumba Congo, còn được thế giới biết đến là dòng Jazz của người Châu Phi. Theo đó, một trong những tên tuổi nổi tiếng của dòng này chính là Joseph Kabasele, hay còn được biết đến là "Le Grand Kallé”, người đã thành lập một ban nhạc và phát hành những tác phẩm về tinh thần dân tộc.
Bài hát "Indépendance Cha Cha” được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1960 tại thủ đô Brussels của Bỉ. Ông Munan cho hay "đó là bài thánh ca của châu Phi” bởi bài hát được ra đời trong bối cảnh 17 quốc gia Châu Phi giành được độc lập.
Đến nay, chủ đề tình yêu là trọng tâm của nhạc Rumba, nhưng chủ đề này thường lồng ghép với những phép ẩn dụ về chính trị và xã hội. Các phiên bản hiện đại của điệu Rumba được biểu diễn trong các quán bar trên khắp các thành phố của người Congo. Mặc dù, mỗi thế hệ tạo ra phiên bản riêng nhưng những yếu tố cơ bản của điệu Rumba gốc, còn được gọi là "clave”, vẫn không thay đổi.
Có thể nói, Rumba đại diện cho bản sắc của người Congo và cộng đồng những người Congo sinh sống ở nước ngoài. Đáng nói, phụ nữ Congo cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển phong cách tôn giáo và lãng mạn của điệu Rumba.
Duy trì cho những thế hệ sau
Tổng thống nước Cộng hòa Dân chủ Congo, Felix Tshisekedi bày tỏ sự tự hào trên trang Twitter cá nhân của mình: "Tôi vô cùng vui mừng và tự hào khi Rumba Congo có mặt trong danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức UNESCO ghi danh".
Ông còn gọi điệu Rumba chính là một "viên ngọc văn hóa đặc trưng" của người Congo nói chung, từ cả Cộng hoà Dân chủ Congo và Cộng hoà Congo.
Giới yêu âm nhạc Congo cũng đồng tình: "Việc Rumba được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể là một tin tốt, vì sự công nhận sẽ giúp loại hình âm nhạc này được duy trì, và được truyền cho các thế hệ sau".
Rumba chính là một "viên ngọc văn hóa đặc trưng" của người Congo nói chung. |
Paul Le Perc Ngoie, một nghệ sĩ bộ gõ tại thủ đô Kinshasa của Cộng hoà Dân chủ Congo, cho biết: "Tiếng nhạc Rumba của người Congo đại diện cho toàn bộ cuộc sống của người dân và lịch sử của Congo. Dù đã có những thay đổi khác nhau, nhưng luôn có yếu tố vẫn luôn giữ nguyên - điệu nhạc đã lưu giữ linh hồn của người Congo," Ngoie nói.
Còn theo một tuyên bố của UNESCO, Rumba "cho phép truyền tải các giá trị xã hội và văn hóa của khu vực, cũng như thúc đẩy sự gắn kết xã hội, giữa các thế hệ và sự đoàn kết. Rumba thường được sử dụng trong việc cử hành tang lễ, trong các không gian riêng tư, không gian công cộng và các cộng đồng tôn giáo".
Theo đó, UNESCO cũng khẳng định tầm quan trọng của việc công nhận các Di sản văn hoá phi vật thể chính là thúc đẩy sự kế thừa truyền thống mà theo đó những kiến thức, kỹ năng phong phú từ các thế hệ trước đó sẽ được truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Bên cạnh Rumba Congo, danh sách Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cũng đã gọi tên điệu Rumba Cuba, nhạc Reggae của người Jamaica và Zaouli - âm nhạc và điệu nhảy phổ biến của cộng đồng người Guro ở Cộng hoà Bờ Biển Ngà.