Không những vừa là hàng xóm, vừa là bà con xa bên vợ, ông Phạm Văn Tuấn (xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) thường ngày gọi ông Đặng Văn Dương là dượng (dượng nhỏ - vai em) theo lẽ thông thường của người Nam Bộ. Cả hai đều đã lên chức ông bà, có cháu nội, cháu ngoại. Ông Tuấn năm nay 57 tuổi, hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ nghèo, làm thuê ngày nào ăn ngày đó. Còn ông Dương, 65 tuổi thì khá hơn một chút.
Khoảng 19h ngày 21/7/2019, sau khi đi uống rượu về, ông Tuấn nhớ lại chuyện cũ xảy ra đã lâu nhưng vẫn còn ấm ức. Cũng như lần xô xát trước, ông nghi ngờ ranh đất của mình đang mượn ở bị ông Dương lấn chiếm nên đạp đổ 2 trụ đá làm mốc, kèm theo là những lời lẽ thô tục chửi rủa. Nghe ông Tuấn lớn tiếng xúc phạm, ông Dương từ trong nhà đi ra, ban đầu hai bên còn “võ mồm”, sau đó ông Tuấn nhặt một đoạn gỗ dài 81cm đánh trúng vào đùi phải, đùi trái ông Dương. Ông Dương bỏ chạy về nhà thì ông Tuấn tiếp tục đuổi theo đánh trúng vào mạn sườn. Kết quả giám định, ông Dương bị gãy 2 xương sườn, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 09%.
Ông Dương làm đơn yêu cầu khởi tố. Qua xác minh, CQĐT Công an huyện An Biên khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Tuấn về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS, với khung hình phạt đến 3 năm tù. Về bồi thường, ông Dương yêu cầu chi phí điều trị ban đầu là 11.603.000 đồng, tiền mất thu nhập thực tế do không thể lao động trong thời gian 60 ngày nằm viện và dưỡng bệnh là 30 triệu đồng.
Ngay sau khi khởi tố vụ án và khởi tố bị can, CQĐT đã xác minh, làm các thủ tục và thông báo cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm). Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa cho bị can.
Bị can là người không biết chữ. Tại CQĐT, Trợ giúp viên đã tìm hiểu lý lịch, hoàn cảnh gia đình, việc làm, nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội; giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ… Tương tự, Trợ giúp viên gặp gỡ, thăm hỏi, cảm thông, chia sẻ, xem xét các khoản yêu cầu bồi thường của ông Dương.
Sau khi đã tiếp xúc với từng bên, Trợ giúp viên đã có buổi hòa giải giữa hai bên, có sự tham gia của Điều tra viên. Tại đây, hai bên đã được phân tích, thuyết phục thấu lý, đạt tình cái được và cái mất cả về trước mắt và lâu dài. Ông Tuấn chính thức có lời xin lỗi, thống nhất mức bồi thường tiền chi phí điều trị là 11.603.000 đồng, nhưng ông Dương vẫn kiên quyết đòi xử lý ông Tuấn đến nơi đến chốn.
Tại phiên tòa ngày 26/2/2020, có rất đông người thân của bai bên gia đình tham dự. Qua phần thẩm vấn của HĐXX và Kiểm sát viên, bị hại vẫn khăng khăng giữ nguyên yêu cầu phải “bỏ tù” bị cáo. Về trách nhiệm dân sự, ngoài phần đã nhận trước đó, bị hại còn đòi bồi thường thêm tiền chi phí phát sinh điều trị là 10 triệu đồng, bớt khoản tiền mất thu nhập bị mất từ 30 triệu đồng xuống còn 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, bị cáo chỉ chấp nhận bồi thường tiền thuốc phát sinh theo hóa đơn thực tế và trả giá tiền mất thu nhập từ 20 triệu xuống còn 10 triệu đồng. Hai bên đều làm căng. Chỉ đến khi Trợ giúp viên hỏi, đồng thời kết hợp với việc giải thích, động viên, thuyết phục các bên dựa trên các vấn đề: Lỗi, hoàn cảnh, mối quan hệ, hiểu biết pháp luật về tội này… thì bị cáo mới nhận ra và xin lỗi bị hại, hứa trước tòa sẽ không bao giờ gây chuyện với gia đình bị hại nữa; thống nhất ngoài khoản 11.603.000 đồng đã nộp còn chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường 30 triệu đồng. Đến lượt hỏi bị hại, trước thái độ chân thành của bị cáo, ông Dương đã chấp nhận lời xin lỗi, ghi nhận lời hứa và mức bồi thường… Kết quả nằm ngoài sự mong đợi, bị hại rút yêu cầu khởi tố bị cáo Tuấn vào phút chót trước khi chuyển sang phần tranh luận.
Tòa quyết định đình chỉ vụ án, bị cáo thoát án tù không chỉ làm hài lòng cả hai bên gia đình, mà còn nhận được sự đồng tình của mọi người tham dự hôm ấy. Sau phiên tòa, Trợ giúp viên không quên gửi lời cảm ơn ông Dương đã có tấm lòng rộng lượng, vị tha. Và ai cũng tin rằng, nếu các bên đều giữ được lời hứa thì thời gian sẽ giúp họ có được cuộc sống bình yên.
(Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)