Cải lương là một loại hình nghệ thuật được phát triển, cách tân từ bộ môn đàn ca tài tử, phát triển rất mạnh vào những thập niên 70. Nhưng theo dòng chảy của thời đại, nhất là khoảng 3 thập kỷ trở lại đây, cải lương dần mất thế thượng phong. Sân khấu cải lương không còn nhiều đất để sống, thỉnh thoảng có đôi rạp cố gắng trích lại một đoạn vở cũ để biểu diễn, nhưng cũng chẳng còn đông đúc khán giả như xưa…
Khát vọng đưa cải lương trở lại thời “hoàng kim”
Có thể nói, sự ra đời của nghệ thuật sân khấu cải lương là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt Nam và Pháp, giữa loại hình nghệ thuật truyền thống đờn ca tài tử của miệt vườn Nam Bộ và nghệ thuật sân khấu kịch thoại của Pháp.
Lịch sử của bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng trải qua 3 thời kỳ: hình thành, phát triển và thoái trào. Trong thời kỳ phát triển sẽ có một giai đoạn nghệ thuật phát triển đến đỉnh cao, sáng tạo ra những giá trị tinh hoa đạt chuẩn mực và sự hài hòa cao độ, người ta gọi đó là “giai đoạn hoàng kim”, và cải lương đã từng có một thời kỳ như thế.
Những thế hệ đi trước ắt hẳn vẫn còn nhớ giai đoạn 1955 - 1975, những rạp hát cải lương luôn trong tình trạng đầy ấp khán giả, nhà nhà người người ai cũng xem cải lương và dường như đây là một món ăn tinh thần, một thú vui sang trọng, tao nhã không thể thiếu của mỗi gia đình.
Thế nhưng ngày nay, việc tìm một sân khấu cải lương chuyên nghiệp không phải là chuyện dễ dàng, huống hồ gì là việc khán giả tìm đến với sân khấu. Vì nhiều nguyên nhân, mà cải lương mất dần thế thượng phong, thay vào đó là sự hẩm hiu của các gánh hát khiến khán giả không khỏi xót xa.
Hoàng Đăng Khoa vẫn nung nấu khát vọng đưa cải lương trở lại thời hoàng kim |
Song với quyết tâm khôi phục sức sống cho sân khấu cải lương, nhiều đơn vị nghệ thuật nói chung và Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long nói riêng, đã không ngừng nỗ lực để đưa cải lương đến gần lạivới công chúng, và một người phải kể đến sau những nổ lực, cống hiến âm thầm đó là nghệ sĩ Hoàng Đăng Khoa.
Từ một nghệ sỹ tay ngang đến một tài danh của sân khấu cải lương
Hoàng Đăng Khoa (tên thật là Đỗ Khắc Trí) được biết đến là một tài danh của làng sân khấu cải lương Việt Nam, sau khi anh thể hiện rất thành công vai diễn nặng ký Đại đế Ngô Vương Phù Sai trong vở diễn Giang Sơn Mỹ Nhân (năm 2016), mà trước đó vai diễn này đã đóng đinh với tên tuổi của Nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh.
Tiếp theo sự thành công của vai diễn, anh mạnh dạn đứng ra tổ chức hàng loạt các đêm diễn với chủ đề “Giữ mãi đam mê”. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng anh quá mạo hiểm, như cá lội ngược dòng, khi anh chỉ là một nghệ sỹ tay ngang bước lên sân khấu cải lương nhưng lại dám đầu tư một vở tuồng với kinh phí khủng. Nhưng nhờ sáng trí,anh mau chóng áp dụng những gì mà NSƯT Vũ Linh truyền dạy vào trong vai diễn của mình, từ đó được rất nhiều khán giả ái mộ.
Khoảng thời gian sau, anh được Nghệ sĩ Bạch Mai – Trưởng đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, một trong những đoàn cải lương nổi tiếng của Việt Nam – nhận làm con và đưa về đoàn. Về với Huỳnh Long, anh đã đứng ra phục dựng lại những tác phẩm vang bóng một thời của cải lương Việt Nam, và hiện anh đang có trên dưới 06 vở do anh dàn dựng.
Cải lương vẫn còn đó và không hề bị mất đi…
Trên sân khấu, anh được biết đến là một nghệ sĩ danh tiếng, nhưng ít ai biết được phía sau ánh hào quang đó là những hi sinh, cống hiến thầm lặngcho nền cải lương nước nhà. Dẫu đang mang trong mình căn bệnh tim hai lá, bác sĩ khuyên anh không tham gia cải lương nữa, vì tính chất trang phục thường xiết chặt vào người sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của tim.
Nhưng vì lòng đam mê, anh luôn dốc sức cùng đoàn Huỳnh Long đứng ra phục dựng những vở diễn tên tuổi một thời để phục vụ công chúng, với hi vọng khán giả sẽ biết rằng: “Cải lương vẫn còn đó và không hề bị mất đi”. Và sau những đêm diễn đó là những lần anh không thể ngồi dậy khi cởi bỏ trang phục vì quá đau, nhưng với anh,khán giả vẫn luôn yêu mến ủng hộ thì anh vẫn luôn cống hiến.
Poster Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long |
Theo anh, khó khăn lớn nhất của cải lương ngày nay là thiếu thốn về sân khấu biểu diễn, khiến các nghệ sĩ mất đi cơ hội thể hiện mình trên sân khấu và đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ. Đất diễn không có, ắtnhiều người sẽ bỏ sân khấu mà đi để mưu sinh bằng một ngành nghề khác. Do đó, điều mà những người nghệ sĩ cần là một sân khấu cố định, đảm bảo tiêu chuẩn để có thể phục vụ khán giả những xuất phẩm ấn tượng và đi vào lòng người.
Nhưng không phải vì eo hẹp về đất diễn mà anh Khoa và đoàn Huỳnh Long từ bỏ tham vọng xây dựng lại đế chế cải lương. Anh cùng đoàn đã đứng ra phục dựng tất cả kịch bản nổi tiếng một thời của đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, trong đó có những kịch bản dã sử, lịch sử, đồng thời nhờ Nhà Văn hóa Thanh niên hỗ trợ sân khấu để biểu diễn, và đều được bán hết vé.
Đó không chỉ tín hiệu tích cực cho nền cải lương nước nhà, mà còn là niềm động viên mang lại khởi sắc cho niềm tin của những người nghệ sĩ trẻ. Vào ngày mồng 9 tết Canh Tý, Đoàn cải lương Huỳnh Long sẽ khai trương vở diễn “ Hoàng đế du xuân” để dành tặng những nụ cười đầu xuân cho khán giả.
Hoàng Đăng Khoa chia sẻ: Cải lương vốn là một loại hình văn hóa "nghệ thuật truyền thống”, muốn giữ gìn phải bảo tồn và phát triển. Nhưng trên hết, phải có sự nổ lực không chỉ của những người làm nghệ thuật mà cả những cơ quan hữu quan trong việc tạo điều kiện cho cải lương phát triển.
Một cá nhân có thể không làm nên thành công lớn, nhưng nếu tập thể cùng chung một niềm đam mê thì ngọn lửa của nền sân khấu cải lương sẽ luôn là bất diệt. Cải lương vẫn còn đó và khán giả trung thành với cải lương vẫn còn đó, chỉ thiếu là nơi để khán giả có thể thấy người nghệ sĩ khóc - cười cùng với nhân vật trên sân khấu.
Hy vọng thời gian sắp tới, những sân khấu chuyên nghiệp dành cho cải lương sẽ được đầu tư mở rộng, để cải lương sẽ trở về thời kì phồn thịnh như ngày nào.