Những con số của Báo cáo gợi cho phóng viên nhớ đến nhật ký chuyến đi của bà Christiane Rudert - Cố vấn về Dinh dưỡng, UNICEF khu vực Đông Á & Thái Bình Dương vào năm 2015 khi bà có chuyến công tác tới vùng miền núi phía Bắc của Việt Nam cùng với các bạn đồng nghiệp UNICEF và Bộ Y tế, thăm chương trình dinh dưỡng do UNICEF hỗ trợ nhằm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc H’Mông.
Cơm và rau là thực phẩm chính
Bà Christiane Rudert viết: “Người dân tộc H’Mông chiếm khoảng 1 triệu người trên tổng dân số Việt Nam. Họ sống ở những thôn, bản miền núi vùng sâu, vùng xa và trồng ngô, lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Tỷ lệ trẻ em H’Mông suy sinh dưỡng thấp còi (trẻ quá thấp so với độ tuổi) rất cao. Ở một số nơi, tỷ lệ này cao tới 75%.
Tôi nghĩ mình chưa từng chứng kiến nơi nào khác trên thế giới tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em cao như ở đây. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trung bình trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 40%, gần gấp đôi mức trung bình trên cả nước. Các cháu nhỏ nói với tôi là đã 9 tuổi nhưng các cháu trông chỉ giống như trẻ 4 tuổi. Người lớn ở đây cũng thấp một cách bất ngờ, chỉ đứng đến dưới vai tôi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi trước chuyến đi, những lý do khiến nhiều trẻ em H’Mông bị suy dinh dưỡng thấp còi vì không đủ lương thực, thực phẩm. Người dân nơi đây chỉ sản xuất được một vụ lúa một năm vào mùa mưa, diện tích đất trồng lúa rất ít và xa trung tâm thương mại.
Sản lượng nhỏ nên không đủ nuôi sống gia đình cả năm và không đảm bảo được chế độ dinh dưỡng đa dạng cần thiết cho trẻ em. Tôi nhận thấy chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ rất nghèo nàn, với thực phẩm truyền thống chỉ có cơm. Mẹ hoặc bà của trẻ nhá cơm cho nát rồi cho trẻ ăn.
Vấn đề an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh cá nhân cũng rất kém, chính điều này là nguyên nhân quan trọng dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi…
Chúng tôi thăm nhà ông Giàng Seo và cháu của ông là Giàng Seo Dan, một trong những trẻ đang bị suy dinh dưỡng nặng. Giàng Seo Dan 18 tháng tuổi, rất còi và xanh, chỉ nặng 7kg. Chế độ dinh dưỡng bình thường của em chỉ gồm có cơm và một ít rau.
Mẹ Giàng Seo Dan cai sữa lúc 6 tháng và thường đi làm ruộng xa nhà. Ông Giàng Seo cho biết gia đình không có tiền mua thịt. Nhà có trứng nhưng không cho Giàng Seo Dan ăn. Nhân viên y tế thôn đã hướng dẫn cho bố của Dan làm trứng chưng cho em ăn...”.
Vẫn phải đối mặt với suy dinh dưỡng dai dẳng
Hai từ “dai dẳng” trên không có gì khó hiểu khi thông tin trong nhật ký công tác mà bà Christiane Rudert viết năm 2015 và thông tin trong Báo cáo “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam: Vấn đề và các giải pháp can thiệp” vừa được Ngân hàng Thế giới và Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam công bố có nhiều điểm tương đồng nhau.
Theo Báo cáo, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng. Mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng toàn quốc đã giảm, tỷ lệ thấp còi ở trẻ em là dân tộc thiểu số (31,4%) vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em người Kinh (15%), đồng thời tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số thiếu cân cũng lớn hơn gấp 2,5 lần (2,1% so với 8,5%) so với trẻ em người Kinh.
Hơn nữa, 119,957% (60%) trong số 199.535 trẻ em bị suy dinh dưỡng ở thể thấp còi ở 10 tỉnh, thành có tỷ lệ thấp còi cao nhất cả nước (Kon Tum, Gia Lai, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Bình) đều là người dân tộc thiểu số.
Ngoài những khác biệt tương đối rõ ràng này, mức độ chênh lệch còn xuất hiện trong vấn đề thiếu hụt vi chất dinh dưỡng – còn được gọi là nạn đói tiềm ẩn. Tỷ lệ trẻ bị thiếu máu cao nhất luôn nằm ở vùng trung du và miền núi miền Bắc, cũng là địa bàn sinh sống của 75% các nhóm dân tộc thiểu số…
Về mặt khoa học, giai đoạn 1.000 ngày đầu đời kể từ khi người mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi là thời điểm vàng quyết định sự phát triển tối ưu về thể chất và trí tuệ của trẻ nếu có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Nếu trẻ không được cung cấp đủ dưỡng chất trong giai đoạn này sẽ dẫn tới những tổn thương nghiêm trọng khó có thể khắc phục đối với sự phát triển thể chất và trí não.
Theo Báo cáo, hiện nay chỉ có 39% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 6 - 23 tháng có chế độ dinh dưỡng đầy đủ; 32,7% phụ nữ dân tộc thiểu số trong độ tuổi 15-49 đã đi khám thai và được bổ sung các vitamin và khoáng chất thiết yếu cũng như tư vấn về dinh dưỡng. Vì thế, Báo cáo nhấn mạnh các giải pháp can thiệp để cải thiện chất lượng dinh dưỡng cần tập trung vào trẻ em trong giai đoạn này và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Chỉ có 39% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 6 - 23 tháng có chế độ dinh dưỡng đầy đủ |
Cũng theo Báo cáo, các yếu tố văn hóa - xã hội cũng góp phần dẫn đến tình trạng này. Kết hôn sớm và mang thai ở tuổi vị thành niên vẫn còn phổ biến ở phụ nữ dân tộc thiểu số, 23,9% phụ nữ bắt đầu sinh con trong độ tuổi từ 15 đến 19. Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là tâm lý e ngại của người dân tộc thiểu số trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế dự phòng và khám chữa bệnh.
Và cuối cùng, nghèo đói chính là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Báo cáo dẫn số liệu thống kê năm 2016, các nhóm dân tộc thiểu số tại Việt Nam chiếm đến 73% số hộ nghèo dù chỉ chiếm 14% tổng dân số.
Ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trong hai thập kỷ qua, nhưng trẻ em dân tộc thiểu số vẫn tụt lại phía sau và khoảng cách chênh lệch với trẻ em người Kinh ngày càng lớn”.
Giải pháp nào để những đứa trẻ không còn chậm lớn?
Để trả lời câu hỏi này thì trước hết phải trả lời câu hỏi: Dinh dưỡng có được coi là nền tảng cho sự phát triển kinh tế quốc gia ở Việt Nam hay không? Theo ông Nkosinathi Mbuya – Chuyên gia dinh dưỡng cấp cao của Ngân hàng Thế giới thì câu trả lời là có.
Bằng chứng là dinh dưỡng là một trong 10 ưu tiên quốc gia trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020; Năm 2014 Việt Nam gia nhập phong trào dinh dưỡng mở rộng (SUN Movement); các chính sách ngành ảnh hưởng đến dinh dưỡng như Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về chấm dứt nạn đói vào năm 2025 trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò quan trọng, Nghị định về đảm bảo vững chắc an ninh lương thực…
Nhưng cũng theo ông Nkosinathi Mbuya, vẫn còn một chữ “nhưng” trong vấn đề đầu tư vào các chương trình dinh dưỡng. Đó là, Quyết định 1125 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra chi tiết các mục tiêu dinh dưỡng trẻ em, nhưng chuyển giao trách nhiệm và nguồn lực cho các tỉnh khiến ngân sách không được đưa vào văn bản cấp Trung ương hay được đề cập cụ thể trong kế hoạch hành động của tỉnh về dinh dưỡng; Dự án kiểm soát dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em bị cắt giảm phần lớn ngân sách (đã cắt 2/3 ngân sách từ năm 2014 và ngân sách cho 2 năm 2027-2018 là 50 tỷ đồng, tương đương 2,2 triệu đô la Mỹ).
Do đó, nhằm đưa ra các giải pháp can thiệp, Báo cáo đã đề xuất một số giải pháp chính Việt Nam có thể thực hiện để cải thiện các chỉ số về dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số như: Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả hơn trong vấn đề dinh dưỡng với sự chỉ đạo của Chính phủ và một cơ chế điều phối hiệu quả của các cơ quan liên quan; đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác dinh dưỡng.
Các tỉnh có tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng nhất cần được ưu tiên phân bổ và tiếp nhận ngân sách công để thực hiện các can thiệp dinh dưỡng; xác định và mở rộng quy mô của các chương trình can thiệp toàn diện có hiệu quả cao ở cấp hộ gia đình trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ, kết hợp với các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi xã hội phù hợp với văn hóa…
Bên cạnh việc cần đảm bảo ngân sách đầy đủ cho các can thiệp về dinh dưỡng đã được kiểm chứng về tính hiệu quả thì giải pháp đa ngành để khắc phục các nguyên nhân suy dinh dưỡng là cần đưa mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng vào Chương trình mục tiêu quốc gia thành một ưu tiên và có phân bổ ngân sách phù hợp và cần phải có những cách tiếp cận mới, được thiết kế riêng phù hợp với những yếu tố về địa lý và văn hóa đặc thù của cộng đồng dân tộc thiểu số...