Bị "ném đá" vì dám… phá cách
Những ngày qua dư luận xã hội cũng như giới marketing tiếp tục có những tranh cãi khác nhau về sự cố rò rỉ hình ảnh hậu trường người mẫu mặc bikini chụp ảnh cho hãng hàng không Vietjet Air.
Bên phản đối cho rằng, một hãng bay sử dụng các cô gái mặc bikini để quảng bá hình ảnh là không thể chấp nhận được. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, Vietjet đã rất dũng cảm thay đổi những định kiến cũ để đưa ra hình ảnh một hãng bay hiện đại, trẻ trung.
Tuy nhiên, ngay sau khi hình ảnh bị phát tán, VietJet Air đã lên tiếng khẳng định: Đây là hình ảnh rò rỉ từ buổi chụp hình thử của VietJet theo hợp đồng với Công ty Venus, không phải quảng cáo chính thức của hãng. Cũng ngay sau đó, ông Vũ Khắc Tiệp - Giám đốc Công ty Venus (đơn vị thực hiện hợp đồng chụp ảnh người mẫu với VietJet) lên tiếng xin lỗi VietJet và công chúng.
Vietjet Air khẳng định: Đây là những hình ảnh rò rỉ từ buổi chụp hình thử của Vietjet Air theo hợp đồng với Công ty Venus, không phải là hình ảnh quảng cáo chính thức của Vietjet Air. Ảnh Facebook.
“Vì hầu hết hình ảnh đã bị sao chép của các bạn người mẫu, chúng tôi cũng đã tháo gỡ những hình ảnh từ facebook, rất mong VietJet thông cảm”, vị Giám đốc Venus nói.
Đi cùng lời xin lỗi, phía Venus cũng cam kết thực hiện những nội dung bảo mật theo hợp đồng, tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm hạn chế tối đa sự lan truyền của những hình ảnh không đẹp và không chính thức.
Phải chăng dư luận đã vội vàng “ném đá” Vietjet Air bởi những hình ảnh này chưa được hãng bay sử dụng để quảng cáo? Thậm chí hầu như mọi người cũng chưa ai biết Vietjet sẽ làm gì với những hình chụp người đẹp và bikini này.
Trong khi đó, dưới góc độ của một người làm marketing lâu năm, nhận định về sự ồn ào trên, chuyên gia marketing Hoàng Tùng đánh giá: Vietjet Air đã rất dũng cảm khi “dám” thay đổi tư duy làm thương hiệu.
Ông Tùng phân tích, Vietjet Air đã thực hiện được sự khác biệt hóa với đối thủ truyền thống. Từ màu sắc logo cho đến cách thức truyền thông, đến thời điểm này, Vietjet Air đã định hình được trong tâm trí khách hàng là một hãng hàng không cá tính, trẻ trung và có phần phá cách.
Ông Tùng cho biết, chiến lược mà Vietjet Air đang thực hiện đã từng được hãng hàng không Virgin Atlantic tại Anh triển khai khi đối đầu với ông lớn British Airways . Và khi đó, Virgin Atlantic đã thành công vang dội.
“Tôi nghĩ VietJet Air đã thành công trong việc tạo dựng cá tính khác biệt của mình đối với khách hàng”, chuyên gia marketing Hoàng Tùng đánh giá: “Dĩ nhiên, cái gì cá tính sẽ khiến nhiều người dị ứng, không thích và thậm chí tẩy chay. Tỷ phú Sir Richard Branson – CEO của hãng hàng không Virgin Atlantic cũng đã từng bị “ném đá” tơi bời khi ông bế bổng một cô người mẫu mặc bikini với logo của Virgin Atlantic. Đó là phản ứng dễ hiểu và có thể đoán định được khi một thương hiệu quyết định dùng yếu tố gợi cảm trong chiến dịch quảng cáo”.
Nhất quán với tính cách thương hiệu
Nhìn lại cách làm truyền thông, Vietjet Air đã từng để lại ấn tượng cũng như tranh luận mạnh mẽ của dư luận qua bộ ảnh tiếp viên mặc bikini trong những bộ ảnh lịch mừng năm mới.
Không dừng lại ở bikini, nếu quan sát kỹ thì bộ đồng phục của tiếp viên VietJet Air cũng “dính dáng” đến yếu tố gợi cảm dù không hở hang.
“Tôi đoán chắc nếu VietJet có cho người mẫu của họ mặc áo dài, chắc họ cũng thiết kế cho nóng bỏng, cuốn hút. Gợi cảm và vui vẻ là thuộc tính không chỉ thuộc về tuổi trẻ, Madona vẫn nóng bỏng ở tuổi xấp xỉ 60. Sopjia Loren đến tuổi 70 vẫn cuốn hút, gợi cảm mà không kém phần sang trọng. Tôi quan sát hình ảnh quảng cáo của VietJet, dù ở tuổi nào nhân vật của họ đều phấn chấn và đầy cảm hứng”, một cư dân mạng bình luận về cách làm truyền thông của Vietjet Air nhân sự cố bikini vừa qua.
Cũng trên các diễn đàn, bên cạnh rất nhiều ý kiến khẳng định, quảng cáo như Vietjet Air là trái thuần mỹ tục bởi hàng không phải đại diện cho “hình ảnh quốc gia”… Tuy nhiên, cũng không ít người “bênh vực”: Đã ai biết VietJet chụp ảnh để làm gì đâu mà vội qui kết?
Theo thông tin bên lề, có vẻ VietJet sẽ sử dụng những hình ảnh này cho một bộ lịch bikini năm mới. “Vậy hãy chờ sản phẩm lộ diện, dư luận có thể vào bình luận, “ném đá” vẫn chưa muộn”, bạn có nick name Thu Hằng nêu quan điểm.
Tương tự, độc giả Long Giang cho rằng, VietJet thay đổi tư duy cách làm thương hiệu, nếu chuẩn của tiếp viên hàng không truyền thống là phải áo dài, đầu búi tóc, phải giữ khoảng cách để thể hiện “đẳng cấp” thì chuẩn của VietJet là phải “yêu thích công việc phục vụ và mang niềm vui đến cho người khác”.
Cũng theo độc giả Long Giang, với hình ảnh trẻ trung, vui vẻ và giá vé rẻ hơn so với các hãng bay đối thủ, VietJet đã mang đến những thay đổi đột phá, biến việc đi lại bằng hàng không trở nên gần gũi, không còn là phương tiện xa xỉ với nhiều người dân. Đó mới là điều cốt lõi khiến hãng hàng không này “ghi điểm” với khách hàng.
Chốt lại vấn đề, chuyên gia marketing Hoàng Tùng cho rằng: “Dĩ nhiên, một chương trình quảng cáo thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng luôn cần phải gắn với chất lượng sản phẩm. VietJet Air muốn thành công bền vững cũng không nằm ngoài quy luật này. Cho đến thời điểm này, dịch vụ, giá vé đã giúp VietJet cạnh tranh được với các đối thủ và đó cũng là yếu tố để Vietjet Air được khách hàng lựa chọn”.