Chính quyền, người dân vui mừng, phấn khởi
Bà con nhân dân đất Sen Hồng đều hào hứng, phấn khởi trước sự kiện Cầu Cao Lãnh đi vào hoạt động. Nhiều người dân vui mừng xúc động trước sự kiện trọng đại này, đặc biệt là những bà con sinh hai bên bờ sông Tiền thuộc huyện Lấp Vò và TP Cao Lãnh.
Là người gắn bó và thường xuyên qua lại bến Phà Cao Lãnh, ông Bùi Văn Bé (88 tuổi, ngụ ấp Tân Mỹ, huyện Lấp Vò) cho biết, trong suốt mấy chục năm qua, cứ khoảng 10 ngày hoặc nửa tháng ông lại qua TP Cao Lãnh một lần nhưng việc qua lại giữa hai bên rất khó khăn. Có những lúc phà bị kẹt hàng giờ, rất bất tiện.
Khi hỏi về tâm trạng và cảm xúc khi cầu Cao Lãnh đưa vào lưu thông, ông Bé chia sẻ, Cầu đi vào hoạt động chắc chắn bà con sẽ vô cùng phấn khởi, việc lưu thông qua lại thuận tiện hơn, kinh doanh, mua bán, giao thương của bà con cũng sẽ có khởi khắc. Cầu khánh thành sẽ giúp đường sá lưu thông, đất nước phát triển. Riêng tỉnh Đồng Tháp chắc chắn sẽ tạo nên diện mạo mới và có sự đổi mới trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, công trình cầu Cao Lãnh khi đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đối với sự phát triển của Đồng Tháp, không chỉ có ý nghĩa to lớn về kinh tế, mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho cả vùng ĐBSCL. Công trình hoàn thành đã hiện thực hóa ước mơ bao đời nay của nhân dân đôi bờ sông Tiền, của nhân dân vùng ĐBSCL và cả nước. Cầu còn góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ thuận lợi giữa TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Ðông Nam Bộ và ĐBSCL, cũng như kết nối trục thứ 2 Bắc - Nam là đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Mũi Cà Mau.
Cầu đến, phà đi- Đôi điều trăn trở
Khi cầu Cao Lãnh đưa vào hoạt động thì bến phà Cao Lãnh (cách đó khoảng 0,8km) sẽ thu hẹp diện tích, chỉ giữ lại 2 chiếc phà nhỏ để phục vụ vận chuyển hành khách đi xe máy và đi bộ theo nhu cầu của người dân và học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò.
Đối với những người đã gắn bó hơn nửa đời người ở phà Cao Lãnh thì việc phải từ giã công việc này thì thật sự là một thiếu vắng. Tài công Phan Ngọc Được (55 tuổi, ngụ Châu Thành, Đồng Tháp) đã có hơn 30 năm gắn bó với công việc lái phà. Trong đợt giảm biên chế của phà, ông đã xin nghỉ hưu non và chấm dứt công việc quen thuộc này. Ông tâm sự: “Mỗi ngày tôi ở bến phà 12 tiếng. Phà giống như ngôi nhà thứ 2 của tôi vậy. Không còn làm việc ở đây, tôi thật sự nhớ phà nhớ anh em và nhớ công việc này”.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc phà Cao Lãnh cho biết, cầu đi vào hoạt động, anh em đều rất vui nhưng cũng có nhiều trăn trở cho bản thân và anh em. Hoạt động của đơn vị sẽ dần thu hẹp và thu nhập của anh em cũng thấp đi.
Cầu đi vào hoạt động, những người sống “ăn theo” bến phà cũng kêu khó. Bà Trần Kim Nga (60 tuổi, bán điểm tâm và nước giải khát bên cạnh Phà phía bờ Cao Lãnh) trăn trở, “từ đời mẹ tôi đã buôn bán thức ăn, thức uống ở bến phà này và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhưng nay Cầu được lưu thông thì đường này vắng hoe, sao buôn bán được”.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, bến phà Cao Lãnh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vừa qua UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT làm việc với Phà Đồng Tháp có phương án bảo đảm giải quyết việc làm cho người lao động trực tiếp tham gia vận hành bến phà Cao Lãnh. Một số trường hợp tự nguyện đăng ký nghỉ việc để hưởng chế độ theo quy định.
Ngày 27/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop đã cùng phát lệnh khánh thành cầu Cao Lãnh - cây cầu mang tính biểu tượng cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Là cầu dây văng bắc qua sông Tiền nối liền TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Cầu Cao Lãnh có chiều dài hơn 2km và tuyến nối cầu dài 21,45km đi qua địa phận huyện Cao Lãnh, Thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Nhịp chính cầu dài 350m, chiều cao thông thuyền 37,5m; trụ tháp hình chữ H cao 123,4m; mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m gồm 4 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ.
Tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế là 80km/h. Tổng vốn đầu tư của cầu Cao Lãnh khoảng 3.000 tỷ đồng từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) và vốn đối ứng của Việt Nam.