Trẻ con không còn bỏ học nhiều như trước vì sợ con nước lớn; người lớn không còn phải ngâm mình trong nước siết để băng qua sông đi chợ, đi làm nương làm rẫy. Cây cầu gỗ của gia đình bà Huỳnh Thị Thương ở thôn Xuân Trường, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk là nhịp cầu nối những niềm vui...
Xã Ea Dah và Phú Xuân là những địa phương xa xôi, nghèo khó của huyện Krông Năng, đời sống của người dân còn muôn vàn khổ cực. Việc đi lại với người dân nơi đây vào mùa mưa là không hề đơn giản. Nhìn cảnh tượng ấy, bà Thương bàn với gia đình vay mượn để xây một cây cầu cho dân qua lại…
Là nông dân, nên số tiền tích góp được cũng chẳng bao nhiêu; năm 2007, bà Thương và gia đình đã từng bắc chiếc cầu tạm bằng gỗ phục vụ người dân và các cháu đi học. Niềm vui chưa được bao lâu thì cơn lũ năm 2009 đã cuốn phăng chiếc cầu chỉ còn trơ lại mấy cái trụ. Vậy là bao công sức, tiền của đều trôi theo dòng nước.
Rút kinh nghiệm từ cơn lũ trước, bà Thương quyết định phải làm một cây cầu vững chắc hơn. Bao nhiêu vốn liếng trong tay bà đều bỏ ra hết để mua xi măng, sắt thép, dây cáp và gỗ phục vụ cho công trình. Nhưng khi vật liệu xây dựng đột ngột tăng giá, số tiền bà dự tính ban đầu bị thâm hụt. Quyết không để công trình bị đình trệ bà đã đi vay mượn khắp nơi từ bà con, hàng xóm, bạn bè, rồi thế chấp hết nhà cửa, đất đai để vay vốn ngân hàng. Sau gần 3 tháng khởi công, chiếc cầu treo được lát bằng ván có bề rộng gần 2m, dài hơn 100m đã bắc nhịp cầu nghĩa tình cho đồng bào qua lại.
Bà Thương tâm sự: “Tất cả các cháu học sinh, người tàn tật, người già, người nghèo thì gia đình đều miễn hết. Chúng tôi chỉ thu phí mỗi lần 1.000 đồng đối với người lớn. Mình thu phí không phải để làm giàu, mà thu để tu bổ cầu, phục vụ bà con tốt hơn…”.
Ông Nguyễn Duy Toàn trưởng thôn Xuân Trường nói: “Trước kia chưa có cầu đến mùa lũ nước dâng to nên cứ phải ngâm mình trong nước xiết. Trẻ con trong bản làng nhiều lúc ngại đi vì đường vừa xa lại có sông suối nguy hiểm nên tình trạng bỏ học nhiều. Từ khi có cầu thì thì tinh hình học hành của các cháu được nâng lên rõ rệt, đời sống của bà con cũng ngày càng thuận tiện hơn rất nhiều.”.
Bà Trần Thị Hoa- một người dân thôn Xuân Trường cho biết: “Nhờ chiếc cầu này mà chúng tôi đi làm nương làm rẫy chẳng lo lắng khi mùa lũ về, đi chợ thuận tiện hơn về lúc nào cũng được”. Không chỉ có nhiệm vụ ngồi thu phí khách qua cầu mà hàng ngày bà Thương còn đảm nhận công việc hướng dẫn đưa các cháu học sinh qua cầu an toàn. Mỗi khi các cháu đi học về qua, bà Thương đều chia các cháu ra làm nhiều nhóm rồi dắt tay đưa qua phía bên kia; còn những người đi xe qua đây đều phải dừng lại nhường cho các cháu nhỏ qua xong mới được đi.
Việc xây dựng cầu treo của gia đình bà Thương được chính quyền địa phương rất ủng hộ, đồng bào rất biết ơn. Tuy nhiên, về lâu về dài, người dân nơi đây vẫn rất mong có được chiếc cầu bê tông cốt thép vững chắc, có thể chống chọi được với sự khắc nghiệt của thời tiết và đảm bảo an toàn về tính mạng của người dân như lời mong muốn của chủ cây cầu tình nghĩa này: “Chúng tôi mong Nhà nước sớm quan tâm giúp cho một chiếc cầu bê tông kiên cố, chứ bắc cầu treo như thế này mỗi khi mưa gió cũng sợ lắm".
Ngọc Quý