Theo đánh giá của các ngành chuyên môn, hiện nay tại Kiên Giang mực nước trạm đầu nguồn và các trạm nội đồng giảm rất nhanh, mặn xâm nhập và nguy cơ thiếu nguồn nước ngọt và nước sinh hoạt là rất lớn, sẽ ảnh hưởng thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và nước ngọt sinh hoạt của người dân trong vùng.
Vị trí, sơ đồ cống ngăn mặn tạm tại xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang (Nguồn: atgt.vn). |
Để chủ động và kịp thời ứng phó với tình hình khô hạn, xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, khó lường; đặc biệt là không để xâm nhập sâu, giữ ngọt ngăn mặn, phục vụ sản xuất vào mùa khô năm 2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi Cục đường thủy nội địa phía Nam tạo điều kiện cho phép cắt luồng giao thông đường thủy trong thời gian đắp đập và ngăn mặn.
Cụ thể, vị trí đắp đập là đoạn từ Kênh Cụt đến Tà Niên (cách Vàm Kênh Cụt về hướng rạch Tà Niên khoảng 1.350m, thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Quy mô đập tạm bằng cừ ván thép Larsen IV. Thời gian đắp đập dự kiến từ cuối tháng 2/2020 đến hết mùa khô khoảng tháng 5/2020.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: Thời gian vừa qua, Ngành nông nghiệp đã liên tục rà soát lại các hệ thống đê bao, kịp thời triển khai đắp đập trước Tết để ngăn chặn tình hình mặn xâm nhập diện tích lúa đông xuân hiện nay. (Cụ thể, ở giai đoạn chín, trổ đòng, đẻ nhánh còn khoảng 251.000 ha nữa).
Ông Tâm chia sẻ thêm: Đợt chủ động ứng phó với tình hình hạn mặn lần này, được xem là có bước chuyển biến nhưng để về lâu về dài đối với huyện Gò Quao; Giồng Riềng; Châu Thành (Kiên Giang) phải hoàn thành sớm cống cái Lớn Cái Bé.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang, hiện tượng ENSO còn ở pha trung tính nhưng vẫn có khả năng nghiêng về pha nóng từ đầu tháng 2 đến tháng 6/2020. Tổng lượng mưa tháng 2 của tỉnh Kiên Giang phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 10 đến 20%. Mực nước cao nhất đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Châu Đốc có mức xấp xỉ cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 là 0,04m.
Dòng chảy từ thượng nguồn Sông MêKông và Đồng bằng Sông Cửu Long rất hạn chế. Nguy cơ hạn mặn cao vào nửa cuối tháng 2 là rất lớn. Đặc biệt trong đợt triều cường từ ngày 8/02 đến 16/2 trên sông Cái Lớn tình hình mặn biến đổi nhanh xâm nhập sâu nhất từ 55 đến 58km sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4km đến 7km.
Riêng tại huyện Phú Quốc, hiện nay nước hồ Dương Đông có thể cung cấp nước cho nhà máy hơn 3 tháng nữa và có thể được bổ sung nguồn nước mưa khi xuất hiện mưa trái mùa, mưa đầu mùa. Nhà máy nước Phú Quốc giảm công suất phát ra từ 21.000 - 22.000 m³ thực hiện hạ áp từ 12h đến 17h hàng ngày.