Cấp thiết bảo vệ an toàn cho trẻ trên ô tô

Trẻ cần được bảo đảm an toàn trên ô tô. Nguồn: Internet. (Ảnh minh họa)
Trẻ cần được bảo đảm an toàn trên ô tô. Nguồn: Internet. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Nhu cầu sử dụng ô tô ngày càng tăng, việc bảo đảm an toàn cho trẻ khi đi ô tô càng trở nên cấp thiết. Nhưng thực tế vẫn tồn tại tình trạng trẻ ngồi ghế trước không thắt dây an toàn, trẻ thò tay, thò đầu hoặc nhoài người ra khỏi cửa sổ trời...

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip có hình ảnh xe ô tô mở cửa sổ trời, chạy hướng Bình Thuận - Đồng Nai theo cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với tốc độ khoảng 90km/h. Đáng chú ý, có ít nhất 3 trẻ em thò đầu ra khỏi cửa sổ trời la hét, đùa giỡn trong khi xe đang chạy với tốc độ cao. Ngay sau khi clip được đăng tải, Cục CSGT Bộ Công an cho biết sẽ tiến hành xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc để trẻ nhỏ thò đầu ra ngoài cửa sổ trời khi ô tô đang chạy là thói quen của không ít người, nhưng đây là hành động cực kỳ nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tai nạn thương tích do tai nạn giao thông đường bộ còn cao, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và nhóm người từ 10 - 39 tuổi ở Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân cao thứ hai gây tử vong ở trẻ từ 5 - 9 tuổi. Vì thế, phòng tránh tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em là vấn đề cần thiết và cấp bách của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Trong nguyên tắc an toàn, các bậc cha mẹ cũng cần chú ý đến vị trí ngồi của trẻ trên ô tô. Nhiều gia đình có thói quen để con nhỏ ngồi ở ghế trước một mình hoặc có người lớn bế. Tỉ lệ trẻ em ngồi ghế trước của ô tô khá phổ biến. Khảo sát cho thấy 22,8% xe có trẻ ngồi ghế trước một mình; 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn. Tuy nhiên, đây không phải vị trí an toàn cho trẻ. Nhiều nhà sản xuất xe đã cảnh báo để con nhỏ ngồi ghế phía trước không an toàn và dễ gặp nguy hiểm hơn người lớn nếu xảy ra tai nạn.

Đồng thời, có rất ít gia đình sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô, trong khi đây được coi là điều cơ bản giúp giữ an toàn cho trẻ ở mọi lứa tuổi, ngay cả sơ sinh. Ở các quốc gia phát triển, 90% cha mẹ thường xuyên sử dụng ghế an toàn cho trẻ, nhưng ở châu Á nói chung, tỉ lệ này chưa đến 5%. Còn tại Việt Nam, tỉ lệ sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô rất thấp, chỉ đạt 1,3%. Khảo sát tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy con số này lần lượt là 2,6%; 1,1% và 0%.

Đã có nhiều cuộc thử nghiệm va chạm cho thấy, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi ngồi trên ghế dành riêng, lắp quay mặt về phía sau và lắp ở hàng ghế sau sẽ được bảo vệ tốt nhất, ngay cả khi xảy ra va chạm từ phía sau. Trẻ nên được đặt ngồi như vậy ít nhất đến khi trẻ đủ 2 tuổi hoặc khi có chiều cao và cân nặng không còn thoải mái khi ngồi quay về phía sau. Trẻ lớn hơn có thể cho ngồi trên ghế dành riêng, lắp quay mặt về phía trước nhưng vẫn phải ở hàng ghế sau.

Với trẻ 5-6 tuổi hoặc đủ chiều cao, cân nặng có thể sử dụng loại ghế nâng đơn giản không cần dựa lưng, ôm trọn thân trên của trẻ. Đến khi trẻ đạt chiều cao tối thiểu 145cm và từ 8 đến 12 tuổi sẽ không cần sử dụng ghế nâng. Lúc này có thể dùng dây an toàn xe bởi khi đó bộ xương của trẻ cũng đã phát triển hoàn thiện, cứng hơn và có thể chịu được áp lực từ dây an toàn khi xe phanh đột ngột hoặc xảy ra va chạm.

Theo thống kê của WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cho thấy trẻ em còn nhỏ được ngồi hàng ghế phía sau và trong ghế an toàn cho trẻ em có thể giảm tới 60% nguy cơ thương tích và tử vong trong các vụ tai nạn giao thông.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự kiến góp ý lần đầu vào Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Nhằm bổ sung cho Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (trừ ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo luật quy định của pháp luật đường bộ), Bộ Công an đề xuất, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc cao dưới 1,35m không được ngồi ghế trước ô tô; trẻ em dưới 4 tuổi ngồi ghế thiết kế dành cho trẻ em.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.