Thực trạng lộn xộn của thị trường biểu diễn và sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận không nhỏ nghệ sĩ trong những năm gần đây đã khiến cho “Đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” thu hút được sự chú ý của đông đảo nghệ sĩ, nhà quản lý và đơn vị tổ chức biểu diễn.
Hội thảo trực tuyến thu hút sự đóng góp ý kiến của các nhà quản lý, nghệ sỹ ba miền. |
Vi phạm sẽ bị bấm lỗ lên thẻ
Trước mắt, theo ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), thẻ hành nghề này sẽ cấp cho người mẫu, ca sĩ vì phần lớn sai phạm trong hoạt động biểu diễn tập trung vào đối tượng này.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề sẽ không theo cơ chế xin cho, mà sẽ được tiến hành dễ dàng, đơn giản nhất. Các nghệ sĩ chỉ cần báo cáo quá trình học tập, hoạt động… nộp cho cơ quan quản lý.
Hồ sơ không cần thông qua hội đồng thẩm định và cũng không cần nộp phí, cơ quan quản lý sẽ xem xét cấp phép là đủ. Ngoài ra chứng chỉ hành nghề cũng sẽ được đặc cách cấp trực tiếp cho NSND, NSƯT.
Ông Nguyễn Đăng Chương còn nhấn mạnh: Dự thảo đề án cũng quy định các cá nhân sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu có hành vi vi phạm, bị xử phạt hành chính với mức phạt dưới 5 triệu đồng sẽ bị đánh dấu 1 lỗ trong chứng chỉ hành nghề, sau 3 lần vi phạm với mức phạt tương tự sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.
Đối với các cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 5 -10 triệu sẽ bị đình chỉ chứng chỉ hành nghề trong thời gian từ 6 tháng đến 2 năm, vi phạm lần 2 sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Dự kiến thời gian áp dụng chứng chỉ hành nghề từ 1/1/2014”.
Trong 20 ý kiến tại Hội nghị trực tuyến 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM tuần vừa qua, đa số nói đến sự cần thiết có chứng chỉ hành nghề. Ông Nguyễn Đức Tuấn, trưởng đại diện cơ quan Bộ tại Đà Nẵng nói, nếu không cấp phép thì các hoạt động biểu diễn tiếp tục biến tướng.
Ông Bùi Văn Hối, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở VH-TT-DL Đắk Lắk còn cho rằng: “Bây giờ mới cấp lại là hơi chậm”.
Nếu quá thông thoáng sẽ… trả giá?
Ông Tô Văn Long, Cục Bản quyền tác giả VHNT khẳng định việc cấp lại chứng chỉ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu là “cần thiết để khắc phục những khiếm khuyết, bất cập trong môi trường biểu diễn hiện nay”, tuy nhiên, theo ông Long, tiêu chí của việc cấp chứng chỉ phải rõ ràng.
NSƯT Lê Chức- Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phát biểu rất nhiều điều bức xúc. Theo ông, những người làm nghệ thuật phải có kiến thức cao thì mới truyền tải được mỹ cảm đến công chúng. Vậy mà có một bộ phận không nhỏ những nghệ sĩ này kiến thức của họ thấp hơn công chúng, nên họ đã gây ra những phản cảm trong biểu diễn.
Phải xác định rõ, cụ thể tiêu chí của chữ “nghệ sĩ”, chứ chữ “nghệ sĩ” trong dự án này được hiểu quá rộng và ngày nay chữ “nghệ sĩ” đang bị lạm dụng. Không phải ai bước lên sân khấu cũng thành nghệ sĩ. Ngay chúng tôi là những người làm chuyên nghiệp cũng phải chia ra. Học sinh phải học rồi về nhà hát thực tập và thực tập xong mới gọi là diễn viên. Đến khi nào họ có cống hiến sáng tạo thì mới gọi là nghệ sĩ”- NSƯT Lê Chức chia sẻ.
Ủng hộ mạnh mẽ việc cấp chứng chỉ hành nghề nhưng NSUT Lê Chức cũng cảnh báo: “Hiện nay chúng ta đang cố gắng thông thoáng về mặt thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho nghệ sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên nếu thông thoáng quá thì chúng ta có thể sẽ bị trả giá. Nếu quá thông thoáng trong tiêu chí thì sẽ gây phản cảm hơn vì lúc đó người không đủ trình độ, tư cách đứng trên sân khấu lại vẫn có thể được cấp thẻ”.
Một trong những băn khoăn lớn của các đại biểu là việc không thành lập hội đồng thẩm định- “Sẽ rất khó cho các Sở nếu không thành lập hội đồng thẩm định. Không có hội đồng làm sao thẩm định?”- ông Trần Quốc Chiêm- GĐ Sở VH- TT- DL Hà Nội bày tỏ.
Vấn đề đặt ra vẫn là với lực lượng nghệ sĩ tự do không qua trường lớp đào tạo, vẫn rất cần có một hội đồng thẩm định nghệ thuật để xét cấp chứng chỉ hành nghề cho riêng đối tượng này.
Việc cấp hai loại thẻ cũng được quan tâm. Đại diện Sở VH- TT- DL Bình Thuận và NSƯT Lê Chức nghĩ rằng, không nên phân biệt thẻ dành cho nghệ sĩ được đào tạo hay không đào tạo, nghệ sĩ hoạt động ở đơn vị công lập hay nghệ sĩ tự do, mà chỉ nên làm một loại thẻ.
Theo NSUT Lê Chức, dù có được đào tạo hay không được đào tạo, các nghệ sĩ đều là công dân và họ phải tuân thủ những quy định của ngành nghề. Ông nói, nếu việc cấp thẻ mà không làm nghiêm túc thì chỉ làm những giá trị về văn hóa càng thêm hỗn loạn…
"Bầu sô" cũng cần có chứng chỉ hành nghề?
NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với người mẫu, nghệ sỹ là cần thiết và Đề án này thể hiện rõ là một công cụ quản lý đối với nghệ sỹ, người mẫu. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét, đánh giá cả trách nhiệm của người tổ chức sản xuất, giám đốc nghệ thuật của các chương trình chứ không chỉ xem xét đối với nghệ sỹ, người mẫu.
“Đối tượng này có cấp chứng chỉ hành nghề hay không?”, NSND Trần Bình đặt vấn đề. “Đêm hội chân dài 7 vừa qua vi phạm là do người tổ chức chưa cho nhà quản lý duyệt chương trình. Vậy anh ta phải là người chịu trách nhiệm, cũng cần phải có chứng chỉ”, ông Bình dẫn chứng.
Thực tế, nhiều bầu sô, người tổ chức sự kiện không hề được đào tạo trong trường nghệ thuật, hay có kiến thức về nghệ thuật. Ông cũng đặt ra câu hỏi: “Đối với các nghệ nhân hay các thí sinh lớn tuổi của chương trình Tiếng hát mãi xanh, hay các thí sinh của các showgame thì việc cấp chứng chỉ hành nghề như thế nào? Vì nhiều thí sinh, thậm chí vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa qua trường lớp đào tạo bước ra khỏi cuộc thi vẫn hát như điên…”
Đồng quản điểm này, NSND Lê Ngọc Cường cũng cho rằng, quản lý tốt người đứng đầu các cơ quan quản lý, các đơn vị tổ chức chương trình, phạt nặng những bầu sô vi phạm, quản lý chặt người mẫu, ca sĩ tự do, vũ đoàn, các đơn vị nghệ thuật xã hội hoá, trong đó đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu thì cũng sẽ hạn chế được những sai phạm. Do đó, cần thiết phải cấp thẻ hành nghề cho cả những đối tượng này.
Uyên Na