“Ông tổ” của tội phạm trục lợi từ thông tin cá nhân
Trong một thời gian dài từ những năm 1990, những người già, người yếu đau hay những người đang lâm vào tình cảnh khó khăn ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ và Canada, liên tục nhận được những bức thư có chữ ký của Maria Duval – tự nhận là một nhà tâm lý nổi tiếng thế giới. Sau khi tiết lộ một số thông tin cá nhân như tên, tuổi hay địa chỉ của người nhận, Maria Duval hứa hẹn sẽ sử dụng quyền năng và sức mạnh của bà ta để “xem giúp” hậu vận, tiền vận cũng như cách giải quyết mọi vấn đề mà người nhận thư đang gặp phải.
Ví dụ, bà ta tuyên bố có thể giúp những người nhận được khỏi bệnh, tránh được vận rủi đang “lởn vởn” phía trước hay thậm chí là trúng số nếu nghe theo bà ta. Tất nhiên, thứ không thể thiếu nếu muốn nhận được hướng dẫn, con số may mắn hoặc là những lá bùa như vậy là tiền. Số tiền mà bà Duval đưa ra thường cũng không nhiều, từ 20 đến khoảng 100 USD nhưng mức trung bình thường là 40 USD mỗi lần. Nhiều người bị yêu cầu gửi thêm một số thông tin cá nhân, đôi khi là một số đồ dùng cá nhân hay lọn tóc, bức ảnh để tiện cho việc “xem xét”.
Nhiều người khi nhận được thư như vậy chỉ cười mỉm rồi vứt đi, coi như một trò đùa. Song, cũng có nhiều người khi nhận được những bức thư như vậy trở nên choáng ngợp vì một con người ở tận đẩu tận đâu lại có thể biết được thông tin cá nhân của họ, nhất là những người đang gặp phải một số chuyện trục trặc trong cuộc sống. Khi đó, người ta thường sẽ không còn đủ tỉnh táo để nhận biết đâu là đúng đâu là sai và dễ dàng tin sái cổ rằng bà Duval thực sự có quyền năng vi diệu. Họ bị lu mờ ý chí và làm theo mọi yêu cầu được đưa ra trong thư.
Có một điều mà các nạn nhân không biết, đó là chính bản thân họ đôi khi đã tiếp tay dựng ra cái bẫy đó. Bởi về sau, các điều tra viên cho rằng kẻ lừa đảo đã mua các thông tin cá nhân của những “con mồi” từ những công ty môi giới dữ liệu – tức những công ty chuyên bán thông tin cho các nhà bán lẻ, các công ty tiếp thị… Từ “giỏ trứng” mua được, kẻ lừa đảo chọn ra những người có thể trục lợi để gửi tin.
Ngoài ra, bà ta cũng tích cực tận dụng những thông tin mà các nạn nhân đã vô tình để lộ trước đó. Ví dụ, để thu thập thông tin cá nhân của mọi người, mạng lưới của bà ta bỏ tiền ra mua những mẩu quảng cáo trên những tờ báo ở khắp nơi trên thế giới. Một trong những chiêu thức điển hình là quảng cáo đó tuyên bố độc giả có cơ hội trúng thưởng lớn và việc họ cần làm để có thể nhận được phần thưởng chỉ là gửi thông tin cá nhân, bao gồm ngày tháng năm sinh, đôi khi cả tình trạng hôn nhân.
1,4 triệu người Mỹ đã trở thành nạn nhân
Lúc bấy giờ, bảo mật thông tin vẫn còn điều xa lạ nên cũng dễ hiểu khi đã có rất nhiều người gửi thông tin đi rồi mòn mỏi chờ đợi phần thưởng mà không thấy đâu. Trong khi đó, từ những thông tin cá nhân thu được, Duval sẽ có thể soạn ra những bức thư bao gồm nhiều thông tin bí mật của đối tượng mục tiêu rồi gửi lại cho họ.
Ví dụ, trong một bức thư gửi cho một nạn nhân, bà ta viết: “Anh sinh lúc 12h00 trưa ngày 22/5/1972 ở thành phố Kansas. Tính cách của anh chịu nhiều ảnh hưởng của sao Kim. Tôi còn biết nhiều điều nữa về anh, nếu muốn biết hãy gửi thư cho tôi theo địa chỉ…”.
Chỉ bằng vài thông tin sơ sài nhưng Duval đã lừa được rất nhiều người. Vụ lừa đảo xảy ra trên hơn 10 nước trên thế giới. Phải mất đến hơn 20 năm vụ việc mới bị phát giác và triệt phá, trở thành vụ lừa đảo qua thư tín diễn ra trong thời gian dài nhất trong lịch sử.
Theo thống kê, ít nhất 1,4 triệu người Mỹ đã trở thành nạn nhân của âm mưu lừa đảo nói trên. Ngoài ra, còn vô số người khác ở khắp nơi trên thế giới cũng đã “dính đòn”. Tổng số tiền mà chỉ riêng người Mỹ và Canada đã bị lừa lên đến hơn 200 triệu USD. Trong đó, tại Mỹ, số người bị sập bẫy nhiều gấp 60 lần so với số nạn nhân của trùm lừa đảo đa cấp Bernie Madoff nổi tiếng.
Nhiều người trong số các nạn nhân đã gửi cho “bà đồng cốt” toàn bộ số tiền tiết kiệm mà họ vốn dự định để dành dưỡng già. Một số người khác mất đi số tiền mà họ dành dụm bấy lâu với ý định sẽ để lại cho người thân khi nhắm mắt xuôi tay.
Điển hình trong số các nạn nhân của bà đồng trên có thể kể đến là bà cụ Doreen Robinson. Tình cờ nhận được bức thư từ đẩu đâu nhưng bà cụ mắt đã mờ, chân đã chậm lại bị suy giảm trí nhớ này như dính phải bùa. Đều đặn, bà lén con cháu gửi tiền cho “người bạn ở xa” để đổi lấy những lá thư kèm vài lời an ủi. Đến khi các con của bà Robinson phát hiện ra vụ việc, tổng cộng bà cụ đã gửi cho kẻ lừa đảo đến hơn 2.400 USD.
Ngoài ra, về sau, trong những bức thư có liên quan đến bà đồng Duval còn xuất hiện thêm một cái tên khác là “ông đồng” Patrick Guerin, cũng quảng cáo có năng lực tương tự như bà Duval.
Chủ mưu hay cũng là nạn nhân?
Năm 2014, giới chức Mỹ bắt đầu vào cuộc sau khi nhận được những tố giác về vụ việc. Tuy nhiên, ban đầu, họ còn hoài nghi về sự tồn tại của một người phụ nữ tên là Duval, bởi dù cái tên này hiện diện trên mọi bức thư nhưng tất cả đều là thư đánh máy, không lưu lại dấu vết gì. Một số điều tra viên người Mỹ cho rằng bà ta là sản phẩm của băng nhóm tội phạm và những hình ảnh được cho là của bà Duval thực chất chỉ là giả mạo.
Việc lần tìm nhân vật này trở nên vô cùng khó khăn bởi tất cả những bức thư đứng tên Duval gửi đi đều được các công ty tiếp thị đứng ra phân phối. Không chỉ vậy, để gây khó khăn trong việc điều tra, các công ty này gửi thư tới nhiều địa chỉ của các công ty bưu chính khác nhau rồi cuối cùng mới tới tay nạn nhân. Lần tìm theo thông tin địa chỉ người nhận thư mà các nạn nhân gửi đi cũng không hề dễ dàng.
Bởi, tương tự như lúc gửi đi, thư của nạn nhân cũng được yêu cầu gửi tới chi nhánh ở Mỹ hoặc Canada của Trung tâm nghiên cứu vận mệnh - một công ty Hong Kong, Trung Quốc. Từ đây, thư lại tiếp tục được gom chuyển tới nhiều địa điểm khác trước khi về điểm tập kết là Tập đoàn Tiếp thị Dữ liệu Infogest. Lúc này, tiền nhận được được phân riêng, tóc tai và đồ dùng của nạn nhân gửi kèm được tách riêng sau đó tiền được giữ lại còn đồ dùng thì được đưa đi thiêu hủy.
Năm 2014, Bộ Tư pháp Mỹ quyết định cấm hoạt động của Tập đoàn Tiếp thị Dữ liệu Infogest ở Mỹ. Guerin và Duval bị liệt kê vào danh sách bị cáo bị khởi tố về hành vi lừa đảo. Đến năm 2016, giới chức Mỹ khép lại cuộc điều tra về vụ việc và đóng cửa đường dây lừa đảo trên với một thỏa thuận dân sự, theo đó 8 bên, bao gồm Trung tâm nghiên cứu vận mệnh và Chủ tịch công ty Martin Dettling, Guerin, Duval, các công ty và cá nhân có liên quan bị cấm gửi những tài liệu, đăng quảng cáo liên quan đến chiêm tinh, tâm linh thông qua hệ thống thư tín của Mỹ.
Cùng lúc, phóng viên của hãng tin CNN đã quyết định tự điều tra về vụ việc. Lần theo các đầu mối, họ dần phát hiện Maria Duval không chỉ là người thật mà còn là một bà đồng có tiếng ở miền nam nước Pháp. Tuy nhiên, khi tìm đến nhà người đàn bà này, con trai của bà ta là Antoine Palfroy đã kể một câu chuyện khác.
Theo đó, người này nói rằng trước đây mẹ của ông có năng lực đặc biệt nên thường được trả tiền để tư vấn. Cảnh sát đôi khi cũng tìm đến bà ta để nhờ tìm người mất tích. Theo lời Palfroy, những việc như vậy đã kết thúc từ nhiều năm trước, khi một nhóm các doanh nhân châu Âu tìm đến nhà và thuyết phục mẹ ông bán quyền sở hữu tên Maria Duval cho họ. Ban đầu, công ty này bán những bảng chiêm tinh học dưới tên Maria Duval nhưng về sau chuyển sang hoạt động lừa đảo như đã nói ở trên.
Vẫn theo con trai của bà Duval, mẹ của ông ta không có ý định lừa mọi người. Bà cũng chưa từng viết một bức thư lừa đảo nào. Song, bà cũng không dám phá hợp đồng và bản thân cũng là một nạn nhân của vụ lừa đảo. Kết quả điều tra của CNN cũng cho thấy rằng vụ lừa đảo là sản phẩm của một mạng lưới phức tạp các công ty vỏ bọc và các hoạt động bình phong ở khắp nơi trên thế giới.
Chủ mưu thực sự của đường dây này là ở Thái Lan và các thiên đường bí mật như Thụy Sỹ và Monaco. Có điều, CNN cũng cho rằng bản thân bà Duval không hoàn toàn vô can. Bà ta đã nhận được ít nhất 1 khoản thanh toán trị giá 200.000 USD trong vụ lừa đảo. CNN vẫn đang kêu gọi tiếp tục điều tra về vụ việc.