Ngày 9/7, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại Nghệ An có nhiều người tiếp xúc gần. Trong đó, có 1 trường hợp đã được xác định là mắc bệnh và được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị (bệnh nhân M.T.B, 18 tuổi).
"Ca bệnh này khá may mắn, bởi bệnh nhân chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, được điều trị sớm. Hiện tại, các triệu chứng ổn định, bệnh nhân đã được chuyển xuống tuyến dưới để tiếp tục theo dõi và cách ly”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết thêm.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đồng thời khuyến cáo chung, để phòng tránh bệnh bạch hầu, người dân cần tiêm vaccine đầy đủ. Trong trường hợp đã tiếp xúc gần ca bệnh thì nên thực hiện cách ly. Bệnh nhân sau giai đoạn tiếp xúc gần ca bệnh thì có thể uống kháng sinh dự phòng.
Những người có nhiệm vụ cần phải tiếp xúc gần với các ca bệnh bạch hầu như: người nhà chăm sóc bệnh nhân, bác sĩ điều trị… nên sử dụng các biện pháp phòng hộ như: đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần và rửa tay sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. |
Trước đó, tại Nghệ An đã ghi nhận một trường hợp tử vong mắc bệnh bạch hầu. Bệnh nhân là P. T. C., (trú tại Bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). Cơ quan chuyên môn xác định có 119 người tiếp xúc với cô gái này.
Liên quan đến bệnh nhân C, tại Bắc Giang ghi nhận bệnh nhân M.T.B đã mắc bệnh. Cơ quan chức năng xác định có 15 trường hợp F1, tập trung ở các xã: Hợp Thịnh, Mai Trung, Danh Thắng và Thường Thắng của huyện Hiệp Hòa.
Ngay sau khi có thông tin về các ca bệnh bạch hầu, chiều 8/7, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Nghệ An và Bắc Giang đề nghị ngành y tế Bắc Giang, Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh bạch hầu, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần.