Cấp cứu thành công nam thanh niên đột ngột ho ra máu nguy kịch tính mạng

Cấp cứu thành công nam thanh niên ho ra máu nguy kịch tính mạng. Ảnh: BV Thủ Đức TP HCM
Cấp cứu thành công nam thanh niên ho ra máu nguy kịch tính mạng. Ảnh: BV Thủ Đức TP HCM
(PLVN) - Ngày 22/9, thông tin từ Bệnh viện quận Thủ Đức TP HCM cho biết, đơn vị vừa cấp cứu thành công một trường hợp ho ra máu đột ngột nguy kịch đến tính mạng.

Cụ thể, bệnh nhân T. (1996) thường hay ho ra máu lượng ít mỗi ngày từ 2-3 lần. Nghi ngờ mình mắc bệnh lao phổi nên anh T. đã đến Bệnh viện quận Thủ Đức để thăm khám.

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tổn thương phổi rất nhiều do lao phổi, lao tạo hang vùng đỉnh phổi phải gây ho ra máu.

Tối hôm 3/9 bệnh nhân đột ngột “ho ra máu sét đánh” ngay tại giường bệnh, khiến bệnh nhân nguy kịch đến tính mạng, có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

“Ho ra máu sét đánh” là bệnh diễn biến đột ngột, nhanh như sét đánh, máu có thể ộc ra ồ ạt không cầm được, máu chảy đóng đông thành từng cục gây bít tắc đường thở, chỉ sau một vài phút sẽ dẫn đến suy hô hấp cấp, trụy tuần hoàn và có thể tử vong ngay sau đó khiến các bác sĩ không kịp trở tay.

Ho ra máu sét đánh thường gặp ở bệnh nhân bị các vấn đề về phổi như lao phổi ở trường hợp này, là tai biến hiếm gặp nhưng lại có tỷ lệ tử vong rất cao trên 90%.

Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành hồi sức ban đầu với dịch truyền, O2 liệu pháp, khí dung Adrenaline, thuốc cầm máu tạm thời.

Đồng thời, quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt, hội chẩn liên chuyên khoa giữa các khoa Lồng ngực mạch máu, Gây mê hồi sức, DSA, Hồi sức tích cực chống độc và khoa Nội tổng hợp để đưa ra phương án xử trí, cứu sống người bệnh trong cơn nguy kịch.

Bệnh nhân được nhanh chóng chuyển qua phòng DSA để được can thiệp xử lý chảy máu do vỡ động mạch bằng kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu BAE (bronchial artery embolization) dưới sự hướng dẫn của màn hình tăng sáng của máy chụp mạch số xóa nền (DSA - digital subtraction angiography). Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản 1 nòng, thở máy xâm lấn ngay tại phòng can thiệp mạch.

Với nỗ lực của ekíp bác sĩ để giành sự sống cho người bệnh, cuộc can thiệp trong vòng 1 tiếng đồng hồ đã thành công tốt đẹp. Các mạch máu động mạch phế quản gây tình trạng xuất huyết đã được nút lại kịp thời.

Bệnh nhân T. đột ngột ho ra máu rất nguy hiểm. Ảnh: BV Thủ Đức TP HCM
Bệnh nhân T. đột ngột ho ra máu rất nguy hiểm. Ảnh: BV Thủ Đức TP HCM

Sau can thiệp, bệnh nhân đã qua được cơn nguy kịch và được rút ống đặt nội khí quản ngay ngày hôm sau.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Long - Trưởng Đơn vị Can thiệp mạch máu ngoại biên, Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết: “Kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu BAE là phương pháp điều trị nội mạch, ít xâm lấn, là một kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi ekip bác sĩ chuyên môn cao và kinh nghiệm lâu năm.”

“Dưới màn hình DSA, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ đặt một ống thông nhỏ (microcatheter) đi từ động mạch đùi đến động mạch phế quản đang chảy máu, sau đó, một ống thông có kích thước nhỏ hơn sẽ tiếp tục được luồn một cách chọn lọc vào trong lòng động mạch phế quản bị tổn thương để bơm chất nút mạch”, bác sĩ Long cho biết thêm.

Thông thường đối với kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu hầu như được tiến hành ở các bệnh viện đầu ngành về hô hấp, bệnh nhân sẽ được hẹn lịch can thiệp cụ thể nhưng kỹ thuật này rất hiếm được dùng để cấp cứu người bệnh. Việc thành công khi ứng dụng kỹ thuật này trong cấp cứu có ý nghĩa quan trọng đối với y học.

Hiện tại sau can thiệp bệnh nhân đã được xuất viện về nhà và tiếp tục theo dõi, điều trị uống thuốc kháng lao trong 6 tháng. Bệnh nhân được hẹn tái khám tại khoa Lồng ngực mạch máu để xem xét việc can thiệp các tổn thương do di chứng của lao sau điều trị lao phổi.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.