“Trước đó, vào lúc 24 giờ ngày 31/12/2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh sẽ bàn giao việc quản lý thu phí và nhân sự sang cho Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Cửu Long, đồng thời Tổng công ty sẽ bàn giao việc quản lý tuyến đường cao tốc này cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam,” đại diện Cục Quản lý đường bộ 4 cho hay.
Về lý do tạm dừng, đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin năm 2013, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Cửu Long được Bộ Giao thông Vận tải giao ký kết hợp đồng bán quyền thu phí sử dụng đường bộ thời hạn 5 năm cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương (giai đoạn 1) với Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (đơn vị trúng thầu), với giá trị hợp đồng 2.004 tỷ đồng. Thời hạn thu phí 5 năm, kể từ 0 giờ ngày 1/1/2014 và kết thúc vào 24 giờ ngày 31/12/2018. Vì vậy, theo quy định hợp đồng bán này, Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh phải dừng thu phí và tiến hành bàn giao cho Nhà nước.
Về công tác nhân sự, ông Phạm Duy Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Cửu Long, cho biết Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh sẽ bàn giao nguyên trạng cơ sở vật chất và 120 nhân sự cho Tổng công ty Cửu Long. Sau đó, Tổng công ty sẽ bàn giao nhân sự này cho Công ty 715 để thực hiện đảm bảo an toàn giao thông tạm thời trên tuyến. Tổng cục Đường bộ Việt Nam hợp đồng với Công ty 715 để thực hiện đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực ra vào đường cao tốc.
Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ 4 thông tin thêm mặc dù không tổ chức thu phí trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, nhưng lực lượng chức năng vẫn bố trí nhân sự túc trực tại các trạm vào ra đường cao tốc để đảm bảo an toàn giao thông, tránh tình trạng xe máy chạy vào cao tốc. Phương tiện khi đi qua trạm sẽ có nhân viên túc trực, bấm baire để xe qua, còn ở lối ra sẽ xe được đi qua tự do, không có barie.
Cũng theo theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi tiếp nhận, đơn vị sẽ tiến hành sửa chữa, nâng cấp trạm thu phí. Đồng thời, báo cáo các cơ quan thẩm quyền để đưa ra các phương án tiếp theo. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải chưa bán quyền thu phí đường ôtô cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương cho đơn vị mới nào khác.
Liên quan đến quyền thu phí cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, trước đó Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch hỗ trợ dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ bằng quyền thu phí cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã phải thay đổi kế hoạch này vì Luật Quản lý và sử dụng tài sản công được ban hành có hiệu lực từ 1/1/2018, theo đó việc sử dụng tài sản công hỗ trợ cho dự án có thay đổi. Cụ thể là quyền thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương phải được thực hiện theo Luật Đấu giá chứ không giao cho nhà đầu tư thu phí như phương án ban đầu.
Vì vậy, ngày 9/10, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc không sử dụng hỗ trợ Nhà nước bằng quyền thu phí đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương và kiến nghị Nhà nước bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 932 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ.