Chỉ 2 ngày sau khi tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam được thông xe, tại Km83 của tuyến này đã xuất hiện vết rạn nứt. Tại vị trí xuất hiện vết nứt có hình dạng vòng cung, điểm đầu tại Km82+995 và điểm cuối tại Km83+070. Ngay sau đó, chủ đầu tư của Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là VEC đã phát đi thông báo, trong đó khẳng định chắc chắn rằng nguyên nhân xuất hiện vết nứt là do “đất yếu”?
Theo VEC, vị trí vết rạn nứt tại Km83 là điểm nằm trong đoạn tuyến có đất yếu đã được VEC tiên lượng trước và đã lắp dựng biển theo dõi đất yếu/lún tại Km82+500 - Km83+500. Đoạn tuyến này thuộc gói thầu A4, nhà thầu Keangnam trúng thầu, trong quá trình thi công đã tuân thủ các quy trình khảo sát và xử lý đất yếu.
Cụ thể, công tác khoan thăm dò địa chất và thiết kế xử lý đất yếu được tiến hành tuân thủ theo quy trình khảo sát thiết kế nền đường ô tô đắp trên đất yếu…
Do chấp nhận giá bỏ thầu thấp?
Kết luận do nền “đất yếu” là thông tin từ phía chủ đầu tư đưa ra còn thực tế nếu lật lại hồ sơ của Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thì chắc chắn sẽ phải có thêm nhiều câu hỏi sau sự cố rạn nứt đường đang thu hút sự chú ý của dư luận suốt mấy ngày qua.
Theo tìm hiểu, dự án nói trên được khởi công từ ngày 1/7/2009, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Toàn tuyến có tất cả 8 gói thầu xây lắp (từ Gói thầu A1 đến Gói thầu A8). Theo đó, phần lớn các gói thầu trên tuyến đều do các nhà thầu ngoại như Hàn Quốc, Trung Quốc tham gia; các “tổng” lớn của ngành Giao thông đều không được tham gia đấu.
Cụ thể, Gói thầu A4 - nơi đang xuất hiện vết nứt dài, nhà thầu Keangnam trúng thầu tháng 3/2010, với mức giá trúng là 1.635 tỷ đồng, tiến độ thi công được xác định lần đầu trong hợp đồng là 36 tháng, nhưng sau phải gia hạn thêm.
“Theo tôi quan sát thì đây là “cuộc chơi” của các nhà thầu ngoại và đây cũng là một ví dụ điển hình của việc các nhà thầu hạ giá thấp đến mức không thể tưởng tượng nổi. Có nghĩa là, họ vào với phương châm trúng thầu bằng mọi giá. Trong trường hợp này, tôi chưa kết luận giữa giá trúng thầu và chất lượng của đoạn đường đó có gì liên quan đến nhau hay không, nhưng thông thường mỗi khi gặp sự cố kiểu như thế này, chúng ta cũng cần phải đánh dấu hỏi về sự liên hệ đó” - một nhà thầu am tường lĩnh vực xây dựng công trình giao thông tiết lộ với PLVN.
Thực tế, giá thầu thấp và năng lực của nhà thầu Keangnam được giới thầu xây lắp trong nước khi đó gọi là… “bỏ bom”. Thậm chí, có người còn tiên lượng với mức giá như thế, kiểu gì nhà thầu này cũng… “chết”. Và thực tế, dự đoán này đã đúng. Keangnam sau đó đã không thể thực hiện được, tiến độ trầy trật và buộc phải thuê một loạt thầu phụ trong nước vào giải cứu.
Hơn thế, có thời điểm nhà thầu chính còn sử dụng nhà thầu phụ không đủ năng lực; không cung cấp đủ tài chính cho nhà thầu phụ thực hiện thi công dự án… Tóm lại, Gói thầu A4 nơi đang hiện hữu vết nứt ngay sau ngày thông xe (21/9/2014), từ đầu đã có những “tì vết” có thể có liên quan đến chất lượng của dự án sau này.
Điều này, hơn ai hết VEC rất biết. Nhưng, hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa có câu trả lời chính thức trước nghi vấn: Chấp nhận giá thầu thấp là một trong số những nguyên nhân gây nứt đường?