Theo ông Lộc, hơn cả CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu) là hiệp định thương mại tự do có chuẩn mực cao nhất và có một không gian thị trường có tiềm năng lớn nhất và có tính tương tác, bổ sung cao nhất với nền kinh tế của Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.
Vì vậy, Hiệp định có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, xét trên nhiều góc độ: Mở rộng thị trường, thúc đẩy đầu tư cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Việc phê chuẩn Hiệp định này trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta vừa vượt qua khỏi Covid-19 và đang trong quá trình tái khởi động nền kinh tế thì càng có ý nghĩa quan trọng. Vì đây chính là thời điểm mà chúng ta đang cần có thêm nhiều động lực để phát triển và EVFTA có thể là một trong những động lực quan trọng.
Tăng cường hợp tác với EU, chúng ta sẽ có điều kiện tiếp cận một thị trường với gần 450 triệu dân của những nền kinh tế thuộc loại giàu có nhất trên thế giới. Do vậy, giúp chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Chúng ta cũng có điều kiện để khai thông một dòng chảy vốn đầu tư FDI với chất lượng cao từ EU về Việt Nam.
Ký được Hiệp định là quan trọng, nhưng thực hiện Hiệp định có hiệu quả còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.
Muốn làm điều này, trước hết chúng ta phải thiết kế được những đường gom, lối mở để doanh nghiệp, nền kinh tế của chúng ta có thể lên đường cao tốc, đó chính là những luật, những nghị định, những thông tư để nội luật hóa các cam kết hoặc hướng dẫn cách thức để thực hiện các cam kết cho các doanh nghiệp và sự soạn thảo thật nhanh, ban hành thật sớm các văn bản này có ý nghĩa rất là quan trọng để chúng ta có thể thông xe.
Đây là đích đến cuối cùng của mọi chiến lược phát triển. Có thể nói, giống như một con đường cao tốc hội nhập với Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU sẽ giúp chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa những kỳ vọng bứt phá của thời tái khởi động sau đại dịch.
Khi Quốc hội sẽ bấm nút phê chuẩn Hiệp định này, cũng có nghĩa Quốc hội sẽ bấm nút để chính thức thông xe cho con đường cao tốc tới Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, thông xe mới chỉ là mở lối đi, còn làm sao để các doanh nghiệp, nền kinh tế của chúng ta có thể vận hành trơn tru, hiệu quả được trên con đường này thì đấy mới là nhiệm vụ quan trọng và là hành trình vô cùng gian nan.
Kết quả rà soát của Chính phủ cho thấy có một khối lượng không nhỏ các văn bản như vậy, kể cả ở tầm luật của Quốc hội, tầm nghị định, thông tư. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực hiện, triển khai thực hiện CPTPP thì thấy chúng ta không thể không quan ngại. Bởi vì, rất nhiều văn bản đã rất chậm trễ trong việc ban hành để đảm bảo thực hiện CPTPP và sự phối hợp giữa các bộ, ngành cũng chưa thật sự hài hòa.
Đến thời điểm này, Việt Nam còn nợ văn bản để triển khai thực hiện CPTPP. Đối với EVFTA, cần làm sao thực trạng này sẽ không diễn ra, đòi hỏi một nỗ lực rất lớn. Nếu chỉ xét ở góc độ chuyên môn, ông Lộc nhận thấy có một số việc Chính phủ và các bộ, ngành có thể ban hành ngay để có thể triển khai thực hiện ngay. Ví dụ, những điều kiện về triển khai thực hiện thuế quan hay là ưu đãi, mở cửa thị trường dịch vụ, điều chỉnh các hàng rào phi thuế, các định chế về thuận lợi thương mại.
Tuy nhiên, hiện nay cần thời gian nhất chính là các luật ban hành bởi Quốc hội. Trong khi đó, theo chương trình thì hầu hết các luật đều đưa ra vào năm 2021 để thảo luận và dự kiến thông qua vào kỳ họp cuối năm, nếu như vậy thì rất chậm.
“Liệu chúng ta có thể đẩy nhanh hơn không? Liệu có thể đưa vào ngay kỳ họp cuối năm để chúng ta thảo luận và để kỳ họp sang năm thì chúng ta có thể thông qua không? Chúng ta đẩy nhanh thực hiện điều này. Đây là điều rất quan trọng, cơ hội trước mắt chúng ta rồi mà chúng ta không tận dụng được và chúng ta có thể làm với tinh thần như vậy”, ông Lộc đề nghị.
Đặc biệt, ông Lộc nhấn mạnh một điều là con đường cao tốc chúng ta mở ra với châu Âu, EVFTA không phải là con đường cao tốc miễn phí. Nhà nước phải trả phí cho quá trình này bằng cách là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của nền kinh tế, đầu tư nâng cấp thể chế của nền kinh tế, đầu tư, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực.
Còn đối với các doanh nghiệp, đó là những đầu tư về nâng cấp quản trị doanh nghiệp, chiến lược hoạt động kinh doanh để có thể tận dụng tốt được những cơ hội, có thể thành công trên con đường hội nhập EVFTA.