Ông Trần Văn Tám, Tổng Giám đốc VEC cho biết, đến thời điểm này, các gói thầu xây lắp đã cơ bản hoàn thành khối lượng trên tuyến chính, đáp ứng được yêu cầu thiết kế và đưa vào khai thác từ ngày 2/9. Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư 1.640,82 triệu USD, từ 2 nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA: 798,56 triệu USD) và Ngân hàng thế giới (WB: 590,39 triệu USD), còn lại sử dụng vốn đối ứng của Nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng, quản lý dự án…
Vì thế, lý giải việc tổ chức thu phí sớm tại đoạn tuyến Đà Nẵng- Tam Kỳ và sắp tới thu phí toàn tuyến, theo ông Tám, mục đích hoàn tiền sớm cho ngân sách nhà nước để Nhà nước có tiền hoàn trả các tổ chức tài chính quốc tế đã cho vay nêu trên.
Về chất lượng công trình, trước đó Hội đồng nghiệm thu nhà nước chỉ ra 4 đoạn cao tốc có độ bằng phẳng không đảm bảo, VEC cho biết, đã yêu cầu nhà thầu khắc phục triệt để, đến nay những đoạn này đã được nghiệm thu xong. Ngoài ra, trước câu hỏi hiện tại một số hạng mục như rào chắn vẫn chưa được lắp đặt hết, việc thông xe ngày 2/9 có đảm bảo tuyệt đối an toàn không? Ông Tám cam kết, nguyên tắc của VEC khi đưa vào khai thác, an toàn được chú trọng trên hết. Đối với vấn đề lại phát sinh hư hỏng mặt đường trong quá khai thác, ông Tám cho rằng chắc chắn không tránh khỏi, vì địa chất không đơn giản.
Cũng tại buổi họp, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi báo cáo, đến nay, hai hạng mục chưa hoàn thành gồm hệ thống hàng rào và đền bù nứt nhà cho dân. Về hàng rào, toàn tuyến đã hoàn thành lắp đặt 85km, còn 50km VEC sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương giải quyết vướng mắc mặt bằng, đảm bảo đến trước ngày 30/10 sẽ làm xong. Ông Thành thông tin thêm, trong quá trình thi công, tại Đà Nẵng có 122 hộ ảnh hưởng nứt nhà và VEC đã chi trả xong. Quảng Nam còn 70/1.864 hộ, Quảng Ngãi còn 76/1.056 hộ chưa nhận tiền bồi thường.
Về tai nạn xảy ra trên cao tốc thời gian qua được nhắc đến, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng Giám đốc VEC cho rằng, không phải toàn bộ do cơ sở hạ tầng mà còn nhiều nguyên nhân khác. Ông Nhi nêu thực tế, đoạn 65km đi từ Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) có những điểm khi chưa lắp đặt xong rào chắn từng xảy ra tình trạng súc vật lên đường cao tốc. Tuy vậy, chủ đầu tư có bố trí các đội vận hành trên tuyến, khi nhận phản ánh, chỉ trong thời gian ngắn từ 7-15 phút đã tiếp cận hiện trường giải quyết. “Nếu thuộc lỗi cá nhân gây tai nạn giao thông, người đó phải chịu. Khi CQĐT xác minh do chủ đầu tư, VEC nhận trách nhiệm”, ông Nhi nói.
Ông Nhi cũng chia sẻ, hiện VEC có chủ trương tuyển dụng con em những gia đình bị ảnh hưởng do tuyến cao tốc đi qua làm việc trên đường cao tốc và xem đây như một chương trình thu nhập cho các gia đình trong suốt thời gian còn lại của dự án. Việc tuyển dụng được đăng ký qua UBND xã. VEC cần xác định đúng đối tượng, thành phần và sẽ ưu tiên lao động đủ tiêu chuẩn vào đội hành vận hành, đội thu phí, duy tu bảo trì.
Ngày 19/5/2013, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài hơn 139 km, đi qua địa phận TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi được khởi công. Ngày 2/8/2017, đoạn 65km từ TP Đà Nẵng đi TP Tam Kỳ đã được đưa vào khai thác. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên ở miền Trung, khi đi vào vận hành toàn tuyến sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm áp lực phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1, hạn chế tai nạn giao thông... Mức phí toàn tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi thấp nhất 180.000 đồng, cao nhất 740.000 đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn là 24 năm.