Xin cơ chế đặc thù để dự án sớm về đích
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đi qua địa giới TP Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (34,2km); thị xã Phú Mỹ, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (19,5km).
Tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ được tính toán khoảng 519,64ha, trong đó đất ở 30,45ha; đất trồng lúa 34,29ha; đất trồng cây lâu năm 205,31ha; đất trồng cây hàng năm 52,63ha; đất nuôi trồng thủy sản 2,55ha; đất khác 194,41ha. Số hộ bị ảnh hưởng dự kiến 3.130 hộ, số hộ tái định cư dự kiến 2.589 hộ.
Tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT), phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án được thực hiện trên toàn bộ tuyến cao tốc theo quy mô quy hoạch. Công tác GPMB, tái định cư sẽ được tách thành tiểu dự án độc lập tại thời điểm “quyết định đầu tư” để giao các địa phương tổ chức thực hiện bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, công khai, minh bạch; ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư công 2019 có quy định: Trường hợp thật sự cần thiết, tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập, với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; với dự án nhóm A do Thủ tướng, HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi “phê duyệt chủ trương đầu tư” dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.
Để đẩy nhanh được tiến độ thực hiện, đảm bảo cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025, căn cứ quy định trên, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất Bộ KH&ĐT báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành tiểu dự án độc lập giao địa phương thực hiện trong giai đoạn “phê duyệt chủ trương đầu tư” dự án.
Cần có khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư?
Tham gia ý kiến với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước (HĐNTNN) về đề xuất này, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Đoạn qua địa bàn Đồng Nai dự kiến giải tỏa trắng khoảng 2.843 hộ. Để phục vụ nhu cầu bố trí tái định cư cho dự án, cần triển khai xây dựng 4 khu tái định cư, trong đó 2 trên địa bàn Biên Hòa và 2 trên địa bàn huyện Long Thành.
Theo bà Hoàng, khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt là đoạn trên địa bàn TP Biên Hòa. Do đó, để thực sự hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB của dự án trong năm 2023 là rất khó khăn. Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ cố gắng triển khai thực hiện khối lượng công việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB nêu trên để theo tiến độ dự án hoàn thành trong năm 2025.
Cũng theo bà Hoàng, qua rà soát sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB của các dự án lân cận trên địa bàn tỉnh; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB của dự án được đơn vị tư vấn khái toán là thấp so với mặt bằng chung của các dự án đã, đang được địa phương triển khai thu hồi đất. Do đó, Đồng Nai cũng đề nghị Bộ GTVT sớm chỉ đạo đơn vị tư vấn cập nhật lại chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB của dự án cho phù hợp tình hình thực tế.
Được biết, dù phía Bộ GTVT có đánh giá tích cực về khả năng giải pháp như đề xuất của Đồng Nai; tuy nhiên, HĐNTNN lưu ý Bộ GTVT trong quá trình lập báo cáo NCKT dự án, phối hợp chặt chẽ các địa phương, rà soát khối lượng, chế độ chính sách, chi phí hợp lý trong phương án GPMB, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả tránh lãng phí thất thoát nguồn lực Nhà nước; Có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất bảo đảm tuân thủ đúng quy định.
Theo quy định hiện hành, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh thành, phải xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Theo báo cáo NCTKT, mục tiêu xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên QL51; khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP HCM - Vũng Tàu; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng hàng không quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng Đông Nam Bộ; tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.