Những tên tuổi “quen mặt” ở Việt Nam
Theo ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ đối tác Công - Tư (PPP), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), sau khi hết thời gian sơ tuyển các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, các ban quản lý dự án (QLDA) đã nhận được tổng cộng 60 bộ hồ sơ xin tham gia đầu tư dự án. Điều đặc biệt, trong số này không có DN nào đến từ Nhật Bản. DN đến từ Trung Quốc chiếm số đông, rải khắp ở 8 dự án thành phần.
Đáng chú ý, có 2 DN đến từ Pháp cũng tham gia sơ tuyển. Các DN Việt Nam không có đơn vị nào đóng vai trò nhà đầu tư độc lập trong hồ sơ xin tham gia dự án, chỉ tham gia với vai trò liên danh với các DN nước ngoài. Tuy nhiên, những tên tuổi lớn trong xây dựng hạ tầng giao thông Việt Nam đều có tên như Phương Thành, TASCO, Đèo Cả, CIENCO 4, Vinaconex 2, VIDIFI, FECON... Ngoài ra, DN Việt Nam cũng xuất hiện những cái tên mới tinh như Công ty TNHH xây dựng Tự Lập, Công ty Núi Hồng.
Có 4 DN Hàn Quốc xin tham gia dự án, đều là các tập đoàn lớn, có tên tuổi là Lotte, Hyundai, Daewoo, Posco. Đại diện của Lotte xin tham gia dự án là đơn vị thành viên của Tập đoàn này, Công ty Lotte E&C. Đơn vị này có chi nhánh ở Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Lotte nộp hồ sơ tham gia hai dự án thành phần là đoạn Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai).
Theo tìm hiểu của PLVN, Công ty Lotte E&C từng thực hiện nhiều dự án do Bộ GTVT hoặc các đơn vị của Bộ này làm chủ đầu tư, điển hình như dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai; tham gia thực hiện tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Trước đó, giữa năm 2017, Chủ tịch Công ty Lotte E&C có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, bày tỏ quan tâm, muốn tham gia các dự án hạ tầng của Việt Nam trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Cũng giống Lotte, đại diện Tập đoàn Hyundai là Công ty Hyundai E&C tham gia đoạn Diễn Châu (Nghệ An) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh); Công ty Daewoo E&C tham gia đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Diễn Châu (Nghệ An) và đoạn QL45 – Nghi Sơn. Trong khi đó, Tập đoàn Posco xin tham gia đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt và đoạn Cam Lâm (Khánh Hòa) – Vĩnh Hảo (Bình Thuận).
Dự thảo hợp đồng là khâu quan trọng
Theo ông Nguyễn Danh Huy, sau khi nhận hồ sơ của các đơn vị, hiện Vụ PPP đang tập hợp, nghiên cứu năng lực của từng nhà đầu tư. Song song với việc này, Vụ PPP đang thực hiện hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng cho 8 dự án của cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Ông Huy đánh giá, để lựa chọn được những nhà đầu tư đủ năng lực về vốn và kinh nghiệm thì nội dung hồ sơ mời thầu và nội dung hợp đồng mới là những yếu tố quan trọng, cần siết chặt.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho biết, nội dung hợp đồng cần nêu rõ tiến độ công trình và những ràng buộc khi dự án chậm tiến độ. “Nếu hợp đồng được soạn thảo chặt chẽ, khoa học thì đấu thầu quốc tế hay trong nước cũng sẽ đảm bảo công trình được thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ và giá cả”, ông Thủy nói và cho biết, hợp đồng cũng cần đảm bảo yếu tố giá cả tiết kiệm, hợp lý, phù hợp với đơn giá thực tế ở Việt Nam. “Làm đường ở Việt Nam phải rẻ hơn làm ở Pháp, Nhật vì giá nhân công, chi phí ở Việt Nam rẻ hơn những nước này”, ông Thủy lưu ý.
Tại sao đoạn Phan Thiết – Dầu Giây nhận được nhiều nhà đầu tư quan tâm?
Dự án đoạn Phan Thiết – Dầu Giây được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm hơn cả. Theo đó, có ba nhà đầu tư độc lập là China Railway 16th Bureau Group; Hyundai E&C; Lotte E&C và 6 liên danh từ Trung Quốc, Pháp và Việt Nam xin tham gia. Giải thích điều này, chuyên gia kinh tế Ngô Hà Quân cho biết, dự án này là cừa ngõ đi vào TP.Hồ Chí Minh, lưu lượng xe đi lại rất lớn, do đó nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Đoạn này dài 99km, tổng vốn đầu tư hơn 14.359 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 2.480 tỷ đồng.