Tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM
Anh Nông Văn Nam (ở xóm Bình Minh, xã Thanh Long, huyện Hà Quảng) cho biết, năm 2020 khi xây nhà mới, gia đình đã dành một phần đất để xây dựng chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm. “Khi đưa trâu, bò ra khỏi gầm sàn tôi thấy không khí khác hẳn, nhà cửa thoáng mát hơn, không còn mùi hôi thối. Con dĩn, con muỗi cũng ít đi, việc chăm sóc vật nuôi và vệ sinh chuồng trại cũng dễ hơn, chuồng nuôi đủ ánh sáng, tôi thấy đàn vật nuôi ít bệnh hơn, lớn nhanh hơn”, anh Nam cho biết.
Tương tự, chị Mã Thị Loan (ở xóm Thượng Hà, Thanh Long, huyện Hà Quảng) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có thói quen nuôi nhốt trâu, bò, gà dưới gầm sàn nhà ở vì cho rằng tiện chăm sóc, không lo mất trộm. Được sự tuyên truyền, vận động, hỗ trợ của chính quyền xã, gia đình tôi chủ động vay vốn di dời chuồng gia súc ra xa nhà ở, nhờ đó, môi trường sống, sức khỏe của cả nhà được bảo đảm, gia đình có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo tăng thêm thu nhập”.
Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cao Bằng cho biết, việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở là một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, mục tiêu là hoàn thành trong năm 2024.
Tuy nhiên, đến nay số hộ cần di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều. Nguyên nhân là ở giai đoạn 2021 - 2025, do quỹ đất dần hạn hẹp nên không có mặt bằng để làm chuồng trại, ngoài ra, giá vật tư, vật liệu tăng cao, phần lớn các hộ còn lại thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Cùng với đó, một số hộ vẫn mang tư tưởng cũ theo tập quán, hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch trong năm 2025
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cao Bằng có gần 10.000 hộ cần di dời chuồng trại gia súc dưới gầm sàn nhà ở. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh thực hiện di dời được hơn 6.700 hộ (đạt gần 70% với kinh phí trên 17 tỷ đồng). Hiện nay, tỉnh còn cần thực hiện di dời khoảng 3,3 nghìn hộ, tổng nhu cầu kinh phí cần trên 25 tỷ đồng.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng, sau khi đã sử dụng kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2024 - 2025, tổng kinh phí các huyện đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ là gần 3 tỷ đồng. Các huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm bố trí từ nguồn kinh phí của huyện và các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện, không đề xuất nguồn từ ngân sách tỉnh.
Ông Hà cho biết thêm, thời gian tới, các đơn vị, địa phương tiếp tục công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ sức khỏe, môi trường, xây dựng NTM. Đồng thời, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, các cấp, ngành và người dân trong việc tổ chức thực hiện. Hằng năm, cân đối nguồn lực, chỉ đạo việc lồng ghép các chương trình, dự án, huy động mọi nguồn lực địa phương hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng gia súc. Đến năm 2025, hoàn thành 100% hộ chăn nuôi di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở.
Để thực hiện hiệu quả việc di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị, tăng cường vận động gắn với thực hiện các phong trào của các tổ chức đoàn thể để nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, chủ động di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, góp phần hoàn thành tiêu chí vệ sinh môi trường trong xây dựng NTM.