Cao Bằng đạt kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Cao Bằng
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Cao Bằng
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong quý III/2024, tỉnh Cao Bằng tích cực đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Áp dụng nhiều sáng kiến, giải pháp CCHC hiệu quả

Cùng với việc triển khai thực hiện các Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, trong quý III/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, thường xuyên quan tâm rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết TTHC. Tỉnh tiếp tục thực hiện TTHC theo quy trình “4 tại chỗ”, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về kiểm soát TTHC và cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.

Công tác cải cách hành chính tại cao bằng được áp dụng nhiều biện pháp đạt hiệu quả

Công tác cải cách hành chính tại cao bằng được áp dụng nhiều biện pháp đạt hiệu quả

Đối với các lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC), UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, bảo đảm đạt mục tiêu đề ra tại Kế hoạch CCHC năm 2024 của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành 414 văn bản để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về CCHC; UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành 24/73 nhiệm vụ đạt 32,86% kế hoạch đề ra.

Riêng trong tháng 9/2024, Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh Cao Bằng đã tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được 2 đơn vị điển hình là Sở Công Thương và UBND phường Đề Thám. UBND các huyện, thành phố đã kiểm tra được 79 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị đã triển khai áp dụng nhiều sáng kiến, giải pháp CCHC có hiệu quả như: sáng kiến xây dựng phần mềm “CBDTCtest - Hệ thống thi trực tuyến” phục vụ công tác phổ biến, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; giải pháp xây dựng ứng dụng sổ tay tra cứu Dịch vụ công trên thiết bị di động; ứng dụng mã QR-code trong tra cứu TTHC trên cổng dịch vụ công của tỉnh..

9 tháng năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng ban hành 23 Quyết định công bố danh mục TTHC. Trong đó: công bố mới 28 TTHC, sửa đổi, bổ sung 217 TTHC, bãi bỏ 9 TTHC, chuẩn hóa 96 TTHC, ban hành 20 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC. Hiện nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền tỉnh Cao Bằng là 1.780 TTHC (bao gồm cả TTHC của cơ quan Trung ương tại địa phương), trong đó: cấp tỉnh 1.339 TTHC, cấp huyện 271 TTHC, cấp xã 170 TTHC.

Tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn đạt trên 97%.

Tại cấp tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công đã và đang phát huy hiệu quả trong tiếp nhận, giải quyết TTHC đối với cá nhân, tổ chức. Tính từ ngày 15/6/2024 - 16/9/2024, tỷ lệ hồ sơ TTHC do các sở, ngành tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt 97,16 %; Tỷ lệ hồ sơ TTHC do UBND cấp huyện tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt 99,51%, Tỷ lệ hồ sơ TTHC do UBND cấp xã tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt 99,75%.

Trung tâm cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc công bố, ban hành các quy định TTHC liên quan đến tổ chức, cá nhân bảo đảm TTHC mới ban hành đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, trao đổi văn bản trên môi trường mạng, số hóa kết quả TTHC để nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí.

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương tiếp tục duy trì cơ chế tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về quy định TTHC qua các kênh thông tin như: hòm thư góp ý, điện thoại đường dây nóng... Trong quý III/2024 đã tiếp nhận 35 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, trong đó đã hoàn thành xử lý 23 phản ánh, kiến nghị.

Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đạt 100%, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 97%. Ứng dụng một cửa điện tử được triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Với việc đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh, đã hoàn thành tích hợp dữ liệu của 4 phân hệ, gồm: Giám sát một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội, Giám sát dịch vụ hành chính công: kết nối dữ liệu từ hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh và hệ thống một cửa điện tử, Giám sát thông tin lĩnh vực y tế, Giám sát thông tin du lịch.

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cung cấp 1.769 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần, trong đó: dịch vụ công trực tuyến một phần chiếm 23,69%, dịch vụ công trực tuyến toàn trình chiếm 64,95%, 11,36% TTHC chưa được nâng lên DVCTT toàn trình hay một phần.

Trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chủ động chỉ đạo cơ quan, đơn vị xây dựng và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hoàn thành 100% Kế hoạch CCHC năm 2024 của ngành, địa phương mình, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành về các lĩnh vực CCHC; Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL bảo đảm chất lượng, hiệu quả; tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực then chốt, trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.