Bị cảnh sát tạm giữ xe vì vi phạm luật giao thông, đó là lỗi mà bất cứ ai cũng có thể phạm phải. Nhưng với cô bé Nguyễn Thị Pha (SN 1998, thôn 2, xã An Phú, TP Pleiku, Gia Lai) sự non nớt, quẩn nghĩ cùng với sự thiếu quan tâm của gia đình, đã khiến lỗi lầm nhỏ trở thành không thể sửa chữa. Đi làm gần 1 tháng không đủ 2,5 triệu đồng nộp phạt, sợ về nhà bị cha mẹ la mắng, cô bé… uống thuốc diệt cỏ.
Không có tiền nộp phạt, hai thiếu nữ uống thuốc diệt cỏ tự vẫn
Ở tuổi trăng rằm, vì gia đình quá nghèo, thiếu nữ sớm phải nghỉ học giữa chừng. Chị Phạm Thị Thu Hồng (40 tuổi), mẹ của nạn nhân nghẹn ngào: “Nhà nghèo, chạy gạo từng bữa để ăn, không đủ tiền trang trải nên học hết lớp sáu, nó nghỉ học để giúp bố mẹ. Bố mù loà đau ốm, không làm gì được, nó bảo để con đi làm giúp gia đình nuôi em…”.
Mẹ nạn nhân thẫn thờ sau cái chết dại dột của con gái |
Khoảng một tháng trước, Pha cùng một bạn gái và một bạn trai mượn xe máy của một người họ hàng lên thị trấn Đắc Cơ xin việc. Cả 3 cùng đèo nhau tung tăng mà không đội nón bảo hiểm, không giấy tờ tuỳ thân. Lòng vòng nhiều đoạn đường tắt, khi lên đến thị trấn Đức Cơ, chiếc xe bị cảnh sát giao thông chặn lại.
Do 3 thiếu niên vi phạm quy định luật giao thông đường bộ, cảnh sát lập biên bản tạm giữ xe, chờ người nhà lên giải quyết. Dò hỏi, Pha tá hỏa khi biết số tiền phải nộp phạt có thể lên tới 2,5 triệu đồng.
Với gia đình cô bé, đây là số tiền rất lớn. Sợ bị bố mẹ mắng, cô gái không dám về nhà, quyết định ở lại thị trấn xin việc làm để có tiền nộp phạt.
Năm ngày sau, Pha xin được việc bưng bê ở một quán phở, còn cô bạn thì xin được việc ở quán nước mía. Lúc này, cô bé mới dám gọi điện về nhà.
Gặp mẹ, cô bé thông báo sơ qua tình hình bị tạm giữ xe, nói mẹ yên tâm bởi cô sẽ cố chăm chỉ làm việc để có tiền “tự giải quyết chuyện này”. “Lúc đó, con bé bảo tôi đừng nói với bố chuyện bị giam xe, sợ bố mắng. Nó bảo tôi đừng lo, vì nó làm một tháng sẽ đủ tiền trả xe”, mẹ nạn nhân nhớ lại.
Tuy nhiên, thấy con mình còn bé, lại một thân một mình ở nơi xa lạ, người cha không yên tâm. Anh trực tiếp gọi điện cho con, nói cứ về nhà, mọi chuyện sẽ từ từ tính sau.
Làm chưa đủ tháng, tiền công của Pha và cô bạn chưa đủ để đóng tiền nộp phạt. Người cha lo lắng cho con gái, muốn con về nhà, nhưng cô bé quá non nớt lại không hiểu được tâm ý của cha. Chắc lúc đó cô bé chỉ đau đáu lo sợ mình đã gây ra lầm lỗi, về nhà sẽ bị gia đình la mắng.
Sáng 21/4, Pha và cô bạn hẹn nhau lên một gò đất ở khu vực xã Chư Á (Pleiku) cùng uống thuốc diệt cỏ tự tử.
Do độc tố của thuốc diệt cỏ quá mạnh, sáng 30/4, Pha đã không qua khỏi. Cô bạn của Pha, may mắn qua cơn nguy kịch, hiện đang tiếp tục chữa trị bằng thuốc Nam.
Người cha đóng cửa phòng tự dằn vặt mình
Cái chết tức tưởi của cô bé không chỉ làm người thân bàng hoàng, đau đớn, mà còn có cả những nỗi dằn vặt khôn nguôi.
Từ hôm con gái mất, đêm nào người cha cũng tự nhốt trong phòng than khóc, vật vã đổ lỗi cho mình đã khiến con gái quẩn nghĩ. Gia đình khuyên can rất nhiều mà người cha vẫn chưa thể bình tĩnh lại.
Nhìn cảnh chồng mình giằng xé tâm can, người mẹ cũng đau như đứt từng khúc ruột: “Con bé sợ nhà nghèo không có đủ tiền chuộc xe, sợ về nhà thì bố la. Con bé đâu biết bố nó thương con gái lắm”.
Di ảnh nạn nhân |
Người mẹ cũng tự trách mình: “Phải chi trước đây chúng tôi thường xuyên tâm sự với con. Khi xảy ra chuyện bị bắt xe máy, kịp khuyên giải, chia sẻ cảm thông với con thì giờ đâu ra nông nỗi này”.
Thương cho hoàn cảnh của gia đình, đám tang cô bé, mọi người trong xóm đã đến an ủi động viên, người góp tiền, người góp gạo, giúp chu toàn về nơi an nghỉ cuối.
Đứa em út của Pha mới 4 tuổi, thơ ngây tròn xoe mắt nhìn người lạ đến mà vẫn chưa hiểu được những bi kịch đã ập đến với gia đình mình. Người mẹ chia sẻ: “Sau đám tang con bé, giờ gia đình chẳng còn gì cả, tiền không có, con bé đang học mẫu giáo, nhưng xong năm nay rồi cũng cho nó nghỉ học lên rẫy phụ bố mẹ”.
Nhắc đến chiếc xe đang bị tạm giữ, người mẹ cho biết: “Giờ cháu nó mất, thôi thì dù vất vả nhưng vợ chồng cũng tính là sẽ làm lụng cật lực để mua lại chiếc xe khác đền cho họ hàng. Chứ giờ em nó mất rồi biết chuộc lại thế nào đây!”.
Cảnh sát giao thông có dấu hiệu phạt sai luật?
Nếu trong vụ việc này, cảnh sát giao thông phạt 2,5 triệu đồng thì rõ ràng “có vấn đề”, vì thông thường pháp luật nước ta quy định mức phạt đối với người nhỏ tuổi rất nhẹ so với người thành niên.
Đối chiếu Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, hóa ra mức phạt 2,5 triệu đồng đối với em Pha là… "trật lất".
Theo các Điều 6, 7, 13 của Pháp lệnh này, người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vẫn bị xử lý khi vi phạm hành chính do lỗi cố ý, nhưng mọi vi phạm hành chính ở độ tuổi này chỉ bị phạt cảnh cáo chứ không được phạt bằng tiền.
Có chăng cảnh sát giao thông chỉ được phép phạt tiền đối với chủ xe theo Điều 33 Nghị định 71/2012/NĐ-CP: phạt tiền từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng đối với chủ xe môtô, xe gắn máy vi phạm giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông.
Quyết định phạt 2,5 triệu đồng của cảnh sát giao thông rõ ràng trái luật và không có giá trị pháp lý để buộc em Pha phải thi hành. Vậy gia đình hai em có được đòi cơ quan cảnh sát giao thông bồi thường thiệt hại do ra quyết định phạt sai luật làm hai cô bé quá sợ hãi phải tự tử?.
Theo Khoản 3 Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra do lỗi của người bị hại, như vậy sẽ không có căn cứ để nhà nước bồi thường trong trường hợp này.
Theo Xa lộ pháp luật
(Tên nạn nhân trong bài đã được thay đổi)