Cảnh sát chống bạo động Pháp hôm nay đã chiếm lại quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu chính ở phía đông Paris, một trong 12 nhà máy bị người biểu tình phong tỏa hơn 10 ngày qua khiến nguồn cung cấp nhiên liệu ở Pháp bị đình trệ.
Người biểu tình đốt lốp xe tại lối vào nhà máy lọc dầu Grandpuits của hãng Total. Ảnh: AFP |
Khoảng 100 cảnh sát được huy động tới nhà máy lọc dầu Grandpuits cùng một quan chức địa phương, người cho biết đã nhận lệnh mở cửa lại nhà máy. Đại diện công đoàn Pháp cho rằng chiến dịch của cảnh sát là "bê bối", vì họ hành động vào nửa đêm khi số người biểu tình khá mỏng.
Cảnh sát sau đó đụng độ với những người biểu tình, khi những người này cố dựng lại chướng ngại vật tại lối vào nhà máy Grandpuits, nhằm ngăn không có các công nhân được trưng dụng từ nơi khác tới làm việc. Đây là nhà máy lọc dầu nằm gần thủ đô Paris nhất và được coi là huyết mạch trong việc cung cấp nhiên liệu cho thành phố, cùng hai sân bay Orly và Charles de Gaulle.
Toàn bộ 12 nhà máy lọc dầu nằm rải rác khắp nước Pháp đã bị ngưng hoạt động trong 11 ngày qua do công nhân phản đối kế hoạch cải cách chính sách hưu trí của chính phủ, trong đó trung tâm là việc nâng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62. Tình trạng này khiến các kho nhiên liệu và trạm bán lẻ xăng dầu khắp nước Pháp lâm vào tình trạng cạn hàng.
Tới đầu tuần này, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ra lệnh cho chính quyền tìm cách phá bỏ các vụ phỏng tỏa nhà máy lọc dầu để giải quyết căng thẳng về nhiên liệu. Tới hôm nay, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Jean-Louis Borloo cho biết tình hình đã được cải thiện.
"Vài ngày trước, có 40% các trạm xăng cạn hàng. Sau đó con số này giảm xuống 30% và tới hôm nay con số này nằm giữa khoảng 20 và 21%", BBC dẫn lời Bộ trưởng Borloo cho biết thêm.
Các nghiệp đoàn tại Pháp kêu gọi đình công trên cả nước phản đối cải cách chính sách hưu trí từ tháng 9 vừa qua. Hoạt động này lên tới đỉnh điểm trong tuần này khi có hơn một triệu người biểu tình xuống đường trên khắp nước Pháp. Một số nơi ở Paris và Lyon đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình.