Gian nan trăm bề
Dòng sông Hồng qua nhiều đời nay đã bao bọc làng mạc, nuôi dưỡng những người dân làng xung quanh, giờ đây lại phải oằn mình vì nạn khai thác cát trái phép. Về xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín - nơi cách đây không lâu cơ quan chức năng đã bắt giữ 10 phương tiện đường thủy đang khai thác cát trái phép, chúng tôi mới thấy được quy mô rộng lớn của các bến bãi thu mua cát vốn chưa hề được UBND TP.Hà Nội cấp phép.
Tại địa bàn giáp ranh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, trọng tải từ 30-200 tấn thường xuyên khai thác cát trái phép. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc biến đổi luồng chạy tàu, sạt lở đất đai, đê điều, công trình thủy lợi, tác động xấu đến môi sinh, môi trường trên sông gây bức xúc trong dư luận quần chúng.
Theo lời các chủ tàu, việc hút cát chỉ thực hiện khi có sự đồng ý của chủ bãi (trong đó, bãi thu mua cát Huyền Hậu do Nguyễn Thị Thanh Huyền, SN 1977, làm chủ, có quy mô lớn hơn cả). Chủ bãi tạm ứng tiền dầu nhớt, tiền ăn, tiền sửa máy và cấp cho mỗi chủ tàu một quyển sổ nhỏ để thống kê, ký nhận các chuyến hút cát lên bến, đồng thời thu tiền bến bãi của chủ tàu để chi trả lương cho người làm thuê ở bến bãi và chi tiêu cá nhân (Huyền thu của mỗi chủ tàu từ 3 - 4 triệu mỗi tháng). Các chủ tàu bán cát cho Huyền, giá bình quân của cát đen là 13.000 đồng/khối.
Kiểm tra số liệu sổ sách thu giữ, cơ quan công an thành phố cho biết, từ tháng 3/2012 đến tháng 1/2014, chủ bãi cát Huyền Hậu đã thu mua cát của 5 chủ tàu hút cát với tổng khối lượng hơn 23 nghìn mét khối, trị giá gần 900 triệu đồng.
Nói về khó khăn trong công tác phòng chống nạn khai thác cát trái phép tại Hà Nội, theo Trung tá Lê Văn Phúc - Đội trưởng Đội cảnh sát đường thủy số 3: “Khi nào các cơ quan chức năng của thành phố đi kiểm tra thì các tàu khai thác cát trái phép lại dạt sang phía bờ sông thuộc địa phận tỉnh lân cận, và khi các cơ quan chức năng rút đi thì tình trạng khai thác cát lại tái diễn”. Trung tá Phúc còn cho biết thêm, phần lớn là những người làm thuê kém hiểu biết trực tiếp khai thác nên việc xử lý, tạm giữ phương tiện lâu ngày gặp nhiều khó khăn, tốn kém.
Quyết tâm với nạn “cát tặc”
Nạn khai thác cát trên các con sông ở Hà Nội hiện nay đã giảm rất nhiều kể từ khi Công an TP.Hà Nội vào cuộc, bắt giữ, xử lý các đối tượng hút cát trái phép để trả lại sự yên bình vốn có cho những con sông. Từ năm 2012 đến nay, Công an TP.Hà Nội đã phát hiện và xử lý 155 vụ khai thác cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn Hà Nội, xử phạt hành chính trên 2 tỷ đồng.
Quyết tâm triển khai nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo Cục C68 về đẩy mạnh công tác phòng chống nạn “cát tặc”, Đại tá Khất Văn Kiều - Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Hà Nội cho biết: “Lực lượng PC68 Hà Nội sẽ triển khai phòng chống nạn khai thác cát trái phép quyết liệt nhất. Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát đường thủy Hà Nội sẽ tổng kiểm tra các phương tiện đường thủy, rà soát các khu vực nhạy cảm, khu vực giáp ranh với các tỉnh bạn để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép”.
Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ các xã và người dân sống ven đê về công tác bảo vệ đê điều, giúp họ hiểu và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật; ngoài ra, phải lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của các tổ chức, cá nhân liên quan việc hút cát trái phép trên sông Hồng. Điều quan trọng nữa là cần có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt giữa các cấp, các ngành và các tỉnh, thành phố có sông Hồng chảy qua.
Mới đây, trong chuyến thăm cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Nội - đơn vị vừa triệt phá đường dây khai thác, mua bán trái phép cát tại Thường Tín (Hà Nội), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: Việc lực lượng công an vào cuộc phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng “cát tặc” tại Hà Nội nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Đó là phần thưởng to lớn, là tiền đề vững chắc để cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn việc xóa sổ nạn khai thác cát trái phép trên sông trong thời gian tới.