Lần đầu gặp đã “say nắng”
Vừa qua, trong chuyến trở về Việt Nam, nhiếp ảnh gia gốc Việt, quốc tịch Mỹ Nick Út đã có những trải nghiệm thú vị tại mảnh đất cố đô Hoa Lư - Ninh Bình.
Cơ duyên đưa nhiếp ảnh gia Nick Út đến với Ninh Bình trong lần trở lại Việt Nam vào những ngày đầu hè 2018 là do đạo diễn lễ hội hàng đầu Việt Nam Lê Quý Dương - vị đạo diễn hai quốc tịch Úc - Việt, tổng đạo diễn của lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt đã ngỏ ý mời ông cùng những người bạn nghệ sĩ, nhiếp ảnh về với Ninh Bình để tìm hiểu về mảnh đất và con người nơi đây.
Đạo diễn Lê Quý Dương từng đạt hàng loạt giải thưởng: Giải thưởng Văn học kịch của bang New South Wales và giải Nghệ thuật biểu diễn Winston Churchill với vở Tiệc thịt (Meat Party); giải Đạo diễn xuất sắc với vở Lời thì thầm từ thế giới bí mật (Whispers From the Secret World) của Tổ chức Asianlink. Giải thưởng cho Vở kịch hay nhất bang Queensland (Úc) với vở Đất mẹ (Motherland). Rất yêu mảnh đất Ninh Bình, đạo diễn đã muốn giới thiệu với Nick Út và các bạn bè về nơi đây.
Đến với Ninh Bình - Bái Đính - Đầm Vân Long - Tam Cốc Bích Động - Tràng An, nhiếp ảnh gia Nick Út cảm thấy “say nắng”. Theo ông, Ninh Bình quá đẹp. Lần đầu tiên đến với Ninh Bình đem lại cho Nick rất nhiều cảm xúc, ngay khi những bức hình của Nick Út về Ninh Bình được đưa lên trang cá nhân, những người bạn trong nước và quốc tế đều rất ngưỡng mộ và muốn được đến thăm Ninh Bình. Thậm chí có những người bạn Hà Nội khi nhìn thấy những hình ảnh đó mà chưa một lần đến với cảnh đẹp Ninh Bình đều ao ước một lần được đặt chân đến mảnh đất phong cảnh hữu tình, địa linh nhân kiệt nơi đây.
Tình cảm đáng trân trọng
Không chỉ “say nắng” cảnh sắc cố đô, nhà báo, nhiếp ảnh gia còn trân quý con người Ninh Bình. Dù thời gian chuyến đi không dài nhưng ông cảm nhận người dân cố đô mộc mạc, dễ thương, mến khách. Những cô gái trong tà áo dài dân tộc thướt tha, dịu dàng và niềm nở. Đặc biệt, Nick Út được nghe những điệu chèo cổ từ những cô gái Ninh Bình thật thú vị, làn điệu khiến ông mê đắm. Nhiếp ảnh gia mong một ngày trở lại sẽ hiểu nhiều hơn nữa về con người Ninh Bình. Trong chuyến du ngoạn này, ông đã gửi gắm tình cảm của mình vào những tác phẩm ảnh đầy nghệ thuật.
Được biết, nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út thường xuyên về Việt Nam. Một năm có thể về ba đến bốn lần. Mỗi lần về Nick Út lại gửi tặng những chiếc máy ảnh thời chiến tranh cho các bảo tàng, như Bảo tàng Phụ Nữ, Bảo tàng Chiến tranh tại TP HCM. Đầu tháng 6 vừa qua, ông tặng hai máy chụp hình cho Hội báo chí Hà Nội và năm tấm hình của Nick Út. Mặc dù sinh ra ở miền Nam, nhưng tình yêu của Nick Út dành cho Hà Nội là không gì đếm được như ông nói “tôi thực sự yêu Hà Nội”.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao Ninh Bình cho hay: “Được nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới Nick Út tới Ninh Bình thưởng lãm, trải nghiệm và sáng tác tác phẩm về thiên nhiên, con người Ninh Bình, tôi rất trân trọng. Các tác phẩm nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia ấy sẽ thêm lan tỏa, quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch của Ninh Bình đặc biệt của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An tới đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.”
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út mong muốn, mảnh đất cố đô mãi giữ được nét đẹp thiên nhiên mà khó ở đâu có được.
Ông nổi tiếng thế giới qua nhiều bức ảnh đặc biệt là bức ảnh em bé Phan Thị Kim Phúc (thường được biết như “Vietnam Napalm Girl” - cô gái Việt Nam bị napalm) và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng - Tây Ninh. Ông Nick Út chụp bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm” vào thời khắc người khác đã để qua đi và chứng kiến những khốc liệt của chiến tranh để thế giới được nhìn thấy sự thật về chiến tranh Việt Nam. Không chỉ ông mà cấp trên của ông chọn công bố bức ảnh này cho nước Mỹ và toàn thế giới biết cũng là một sự dũng cảm. Bức ảnh sau đó xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo khắp toàn cầu và gây rúng động về sự thật khốc liệt của cuộc đấu tranh tại Việt Nam. Bức ảnh đã mang lại cho ông giải Pulitzer và ông trở nên nổi tiếng. Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.
Sau khi chụp bức ảnh này, nhiếp ảnh gia Nick Út đã đưa Kim Phúc vào bệnh viện và em đã được cứu sống. Đây là bức ảnh đã làm thay đổi cuộc đời ông và Kim Phúc, đồng thời góp phần thức tỉnh lương tri nhân loại về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Khi ông làm việc tại các văn phòng AP ở Tokyo, Hàn Quốc, Hà Nội vẫn liên lạc với Kim Phúc, hiện cư trú tại Canada.