Cảnh giác với thuyên tắc động mạch phổi hậu COVID-19

Cảnh giác với thuyên tắc động mạch phổi hậu COVID-19
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian gần đây, khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 liên tục tiếp nhận những trường hợp cấp cứu thuyên tắc động mạch phổi cấp với nhiều bệnh cảnh khác nhau.

Gia tăng bệnh thuyên tắc động mạch phổi hậu COVID-19

Theo ThS, BS Lưu Quang Minh, Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong những bệnh nhân nhập viện, có người đang mổ thì đột ngột ngừng tim, có người đang điều trị đột quỵ thì xuất hiện khó thở, tụt huyết áp hay như một cụ già cao tuổi nằm lâu cũng xảy ra tình huống này. Đặc biệt, số ca sau nhiễm COVID- 19 mắc bệnh lý này cũng gia tăng.

Đáng chú ý nhất là trường hợp của bệnh nhân T.L.N. (98 tuổi, trường hợp rất hi hữu vì là bệnh nhân mắc bệnh này cao tuổi nhất thế giới). Bệnh nhân có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2.

Vài ngày sau khi tiêm vaccine dự phòng COVID-19, bên cạnh những tác dụng phụ mệt mỏi, ăn uống kém, bệnh nhân khó thở dữ dội đột ngột, huyết áp tụt sâu 60/30 mmHg. Bệnh nhân được các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tim mạch nhanh chóng chẩn đoán sốc tim do thuyên tắc động mạch phổi hai bên và được tiêu sợi huyết cấp cứu.

Trực tiếp điều trị cho ca bệnh này, bác sĩ Nguyễn Thành Huy, Khoa Hồi sức tim mạch chia sẻ, sau khi phát hiện có huyết khối động mạch phổi 2 bên, các bác sĩ quyết định tiêu sợi huyết cấp cứu mặc dù bệnh nhân 98 tuổi và có nguy cơ chảy máu rất cao.

"Có thể nói đây là 1 trường hợp vô cùng hiếm vì y văn trên thế giới chưa có ca bệnh nào cao tuổi như vậy được mô tả. Sau khi tiêu sợi huyết làm tan cục huyết khối diễn biến bệnh nhân ổn định dần, huyết áp tăng dần, bỏ dần được các thuốc vận mạch nâng huyết áp, tình trạng hô hấp ổn hơn, 2-3 ngày sau bệnh nhân trở về trạng thái trước khi vào viện và được ra viện sau đó không lâu”, bác sĩ Huy nói.

Bệnh nhân N.T.T. (92 tuổi), vào viện vì gãy xương đùi phải có chỉ định thay khớp háng. Trong quá trình phẫu thuật đột ngột tụt huyết áp, nhịp tim chậm dần, các bác sĩ nhanh chóng nghĩ ngay đến hiện tượng thuyên tắc động mạch phổi và chụp CT động mạch phổi.

Bệnh nhân được dùng thuốc tiêu sợi huyết cấp cứu ngay trên bàn phẫu thuật, kết hợp hồi sức tim mạch tích cực trước, trong và sau mổ. Tình trạng của bà sau khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời tiến triển tốt lên theo từng giờ. Hiện tại bà đã tỉnh táo và có thể tự sinh hoạt bình thường.

Chia sẻ về căn bệnh thuyên tắc động mạch phổi, TS. Đặng Việt Đức – PT Chủ nhiệm khoa Hồi sức Tim mạch Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: “Thuyên tắc động mạch phổi cấp là một bệnh khá thường gặp, là nguyên nhân đứng thứ 2 gây đột tử do tim. 80% bệnh nhân tử vong trong bệnh viện mà không xác định được nguyên nhân khi giải phẫu thi thể được xác định do thuyên tắc động mạch phổi.

Trong đại dịch COVID-19, có vẻ như chúng ta bắt gặp nhiều trường hợp thuyên tắc động mạch phổi hơn trước đây liên quan đến tình trạng tăng đông máu hậu COVID-19. Tuy vậy, khả năng chẩn đoán và điều trị phụ thuộc vào trang bị, kinh nghiệm của từng cơ sở y tế; khi thuyên tắc động mạch phổi cấp mức độ nặng, nguy cơ tử vong có thể lên tới 60% với diễn biến thường rất nhanh trong 1 đến 2 giờ đầu. Do vậy, chúng ta phải luôn nghĩ tới nó thì mới kịp đưa ra chiến lược chẩn đoán và điều trị cho người bệnh”.

Thuyên tắc động mạch phổi là gì?

Thuyên tắc động mạch phổi là hiện tượng tắc ít nhất một động mạch phổi hoặc nhánh động mạch phổi, thường do cục máu đông (còn gọi là huyết khối) từ tĩnh mạch chi dưới di chuyển lên.

Thông thường cơ chế đông máu hình thành huyết khối mang tính chất bảo vệ, giúp cơ thể chúng ta liền vết thương, cầm máu khi chảy máu… Sau khi hoàn thành vai trò này, cơ thể có thể tự ly giải những huyết khối nhỏ một cách liên tục trong hệ thống tuần hoàn.

Tuy nhiên ở một số bệnh nhân tuổi cao, phải nằm lâu một chỗ, bệnh nhân rối loạn đông máu di truyền, phụ nữ có thai, người mắc bệnh ung thư hoặc gần đây là những bệnh nhân mắc COVID-19… đều có nguy cơ đông máu.

Những cục máu đông di chuyển, khi đến vị trí các động mạch phổi thì bị tắc lại làm người bệnh suy hô hấp cấp, sốc do tắc nghẽn luồng chảy của dòng máu từ tim phải sang tim trái. Người bệnh nhanh chóng đột tử nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bệnh có nhiều biểu hiện mức độ khác nhau. Với mức độ nặng có thể gây sốc, tụt huyết áp, suy hô hấp. Biểu hiện nhẹ xuất hiện khó thở mức độ vừa, không gây hiện tượng sốc. Thậm chí có những bệnh nhân âm thầm không có biểu hiện, mãn tính lâu ngày không phát hiện ra. Chính vì vậy để phòng tránh bệnh, người dân nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe để tránh những hậu quả khó lường.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.