Cơ hội đi kèm với thách thức
Thương mại hai chiều Việt Nam - Vương quốc Anh có xu hướng suy giảm trong các tháng đầu năm 2023 và tăng trở lại trong các tháng gần đây. Tính chung 7 tháng năm 2023, thương mại hai chiều Việt Nam, Vương quốc Anh ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Anh đạt gần 3,5 tỷ USD, nhập khẩu (NK) của Việt Nam từ Anh đạt 460,1 triệu USD.
Bên cạnh UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh), Anh đã chính thức trở thành thành viên của CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương), cơ hội để hàng hóa Việt vào thị trường Anh rất lớn. Điều này sẽ khiến nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) hoàn toàn có thể xảy ra.
Báo cáo thường niên PVTM 2022 cho thấy, theo thống kê của WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), tính đến hết tháng 6/2022, Anh đã điều tra tổng cộng 4 vụ việc PVTM và áp dụng 1 biện pháp PVTM. Ngoài ra, theo Thỏa thuận rút khỏi EU (châu Âu), kể từ ngày 1/1/2021, Anh không còn là thành viên của EU và việc áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm thép được tiến hành độc lập giữa EU và Anh. Sau sự kiện này, cả Anh và EU đều tiến hành rà soát và cập nhật lại các biện pháp PVTM đang được áp dụng.
Hiện nay Anh đang chỉ áp dụng duy nhất biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép xuất xứ từ Việt Nam. Cụ thể, tháng 3/2022, Cơ quan PVTM Anh khởi xướng điều tra rà soát biện pháp tự vệ với thép. Tháng 6/2022, Cơ quan này ban hành báo cáo kết luận cuối cùng, thép Việt Nam bị áp dụng hạn ngạch thuế quan riêng theo từng quý và áp dụng hạn ngạch thuế quan còn dư đối với một số sản phẩm thép từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/6/2024. Lượng NK trong hạn ngạch được miễn thuế, thuế ngoài hạn ngạch là 25%.
Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương Quốc Anh cho biết, Thương vụ đã có khuyến cáo, một số sản phẩm thép Việt Nam XK sang Anh có thể lọt vào tầm ngắm điều tra chống bán phá giá hoặc điều tra chống trợ cấp nếu tăng trưởng quá “nóng”. Ngoài ra, ông Cường cũng khuyến nghị doanh nghiệp (DN) Việt cần nắm rõ quy định về PVTM trong các hiệp định nói chung, các quy định về PVTM của EU/Vương quốc Anh nói riêng.
Đại diện Cục PVTM cho rằng, các biện pháp PVTM do nước NK tiến hành, mục đích là hạn chế hàng NK để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước. Theo các điều khoản về miễn giảm thuế trong UKVFTA, hàng hóa XK của Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế đến 99,2% (trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định thực thi). Đây là cơ hội rất lớn cho hàng hóa XK Việt Nam. “Đi cùng với cơ hội lớn thì hàng hóa Việt sẽ tăng mạnh, khả năng các nước sử dụng công cụ về PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước rất là dễ hiểu, chúng ta có thể lường trước nguy cơ này” - đại diện cục PVTM nói.
Định kỳ tổ chức đối thoại về phòng vệ thương mại
Trong các FTA, PVTM luôn là một nội dung được quy định chi tiết, cho phép các thành viên ký kết áp dụng những biện pháp PVTM khi có sự gia tăng nhanh chóng của hàng hóa NK.
Theo Bộ Công Thương, điều khoản về PVTM trong UKVFTA cũng tương tự như trong FTA đã ký với EU. Theo đó, có 3 phương pháp điều tra truyền thống bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Ngoài ra, UKVFTA bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về PVTM của Việt Nam, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ “phòng vệ” hợp pháp, tiến bộ, bảo đảm hiệu quả của việc tham gia Hiệp định.
Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển tiếp khi Anh rời khỏi EU, tất cả các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ mà Vương quốc Anh duy trì sẽ trải qua quá trình xem xét chuyển đổi trên toàn Vương quốc Anh (bao gồm cả Bắc Ai Len).
Tại Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban thương mại UKVFTA (diễn ra ngày 24/8/2023), Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã đề xuất với ông Nigel Huddleston - Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế (Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh) định kỳ tổ chức các phiên đối thoại giữa hai nước về lĩnh vực PVTM bằng hình thức phù hợp để chia sẻ các quy định cập nhật trong pháp luật PVTM. Đồng thời thảo luận về các nội dung kỹ thuật được hai bên quan tâm liên quan đến quy trình và thực tiễn điều tra PVTM nhằm mục đích tăng cường hệ thống PVTM công bằng, minh bạch, dựa trên cơ sở pháp luật của mỗi nước và bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế của hai nước về PVTM.