TP Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 3 tháng giãn cách. Tính đến ngày 6/9, TP đã ghi nhận khoảng 250 ngàn ca nhiễm COVID-19 và trải qua hơn hai tuần siết chặt giãn cách theo nguyên tắc “ai ở đâu yên đó”. Đường phố vắng bóng người, doanh nghiệp ngừng sản xuất, nhà nhà đóng cửa không giao tiếp, một số gia đình đã có những mất mát thương đau. Đại dịch này chưa có tiền lệ và cũng chưa có bài học nào trước đó.
Thông tin Quận 7 và huyện Củ Chi công bố đã kiểm soát được dịch bệnh thực sự là tín hiệu vui, cho thấy có thể đỉnh dịch đã qua, như những cánh én chấp chới bay báo mùa Xuân đã về. Bí thư Thành ủy TP đã đặt vấn đề: “Chúng ta không thể giãn cách nghiêm ngặt mãi được vì không thể chịu nổi, phải mở dần ra và sống chung với dịch. Chúng ta không thể cứ lo chống dịch mà quên sản xuất, như vậy sẽ chết vì cái khác trước khi chết vì dịch. Cho nên phải bảo vệ sức khỏe nền kinh tế, không để lụn bại”, ông nói và cho biết TP sẽ quay trở lại với mục tiêu kép, nhưng sản xuất phải an toàn.
Người đứng đầu Thành ủy TP lấy ví dụ, khi sống trong “trạng thái bình thường mới”, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện F0 trên địa bàn nhưng khi phát hiện sẽ tách F0 để điều trị và tiếp tục chiến đấu. TP đang xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế trên cơ sở khoa học, thực tiễn, học tập kinh nghiệm các nước đi trước. TP đã giao cho đội ngũ khoa học, thầy thuốc, xã hội học, tâm lý học... nghiên cứu tất cả những vấn đề liên quan để “sống chung với dịch”.
Mọi người đều kỳ vọng sẽ rất sớm TP quay lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên đây không phải hoàn cảnh bình thường mà là “bình thường mới”. Như Bí thư Thành ủy TP nêu quan điểm: “Nếu dịch trở lại sẽ gây nhiều khó khăn vì ta không còn sức nữa. Đi qua cơn bão rồi, có khi hỏi làm sao đi qua mình không nhớ lúc đó xoay sở, vượt qua thế nào. Tránh đừng để chuyện đó xảy ra”, ông nói và cho rằng, việc mở cửa nếu không quản lý được sẽ phát sinh lây nhiễm. TP sẽ mở cửa chậm, chắc, mở tới đâu, quản lý tới đó.
Muốn sống chung với lũ phải có nhà tôn cao, có ghe, có áo phao, phải biết bơi. Còn muốn sống chung với dịch phải có vaccine, thuốc, kiến thức và sẵn sàng tâm thế.... là những điều kiện cần và đủ để mỗi người dân trang bị, có thể tự “chiến đấu” với dịch. Và nên nhớ một lần nữa, trong cuộc chiến này, mỗi người dân đều là một chiến sĩ. Chỉ riêng việc tuân thủ 5K, đeo khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách, hạn chế tối đa những thói quen như thời “bình thường xưa”… đã là góp phần phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ cho mình và cho mọi người.