Sau một thời gian phát động, Ban tổ chức Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ Nhất đã nhận được hơn 200 bản thảo của các tác giả từ khắp mọi miền Tổ quốc.
5 tác phẩm đầu tiên dự Giải thưởng đã được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản giới thiệu với bạn đọc. Đó là: Quà Tết của rừng xanh (Hồng Chiến), Cánh diều hình nốt nhạc (Niê Thanh Mai), Mùa động rừng (Sương Nguyệt Minh), Nhẩy lên và hét (Phong Điệp) và “Đại náo nhà ông ngoại” (Nguyễn Xuân Thủy).
Tập truyện “Quà Tết của rừng xanh” của tác giả Hồng Chiến gồm 14 truyện ngắn đầy hương vị của núi rừng Tây Nguyên. Tác giả đã khéo léo khai thác chất liệu từ bản sắc văn hóa bản địa cho đến sự phong phú của thiên nhiên nơi đây. Độc giả sẽ bị cuốn hút với những chi tiết đầy hiếu kì về những con thú trong rừng như: hoẵng, nai thấy ánh đèn thì tò mò đứng nhìn, mắt con cái màu xanh, con đực màu đỏ; con hổ ban tối mắt hồng khi gặp ánh đèn thì mắt như tóe lửa, đặc biệt khi hổ nhìn đèn thì một mắt nhắm một mắt mở cứ một lúc lại đổi; hay bầy le le đen thủi đen thui, đàn gà nước bơi bì bõm suốt ngày, đám xít đầu đội mũ đỏ chót, nhọn hoắt như mũ ông già Nô-en, gà rừng biết đóng kịch để đánh lạc hướng kẻ thù…
“Mùa động rừng” là tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Tiểu thuyết gồm 20 chương kể về cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ của Cún Vàng giữa núi rừng Tam Điệp nguyên sơ mênh mông với những thợ săn, và những loài thú hoang dã. Vốn là một chú chó nhà dưới xuôi, Cún Vàng được bán tới nhà thợ săn ở cửa rừng Tam Điệp. Tại đây chú được ông bà chủ yêu thương, được bầu bạn với Linh Cẩu một chú chó săn lão luyện ở núi rừng Tam Điệp, Linh Cẩu đã dạy cho Cún Vàng bài học đầu tiên về việc không được bắt nạt kẻ yếu đuối hơn mình. Bạn với Cún Vàng còn có mèo Tam Thể (còn gọi là Mèo Hen), và thằng hổ Ba Mươi thuộc giống hổ hiếm được ông chủ cứu về nhà sau khi mẹ nó bị cánh thợ săn giết. Mái nhà của vợ chồng thợ săn là nơi ba con vật khác giống loài sống chung êm đềm. Cho đến một ngày, vì tưởng nhầm là kẻ trộm đó, thằng hổ Ba Mươi đã vả chết ông chủ. Nó hối hận quá liền bỏ vào rừng sống đời hoang dã. Linh Cẩu thì chết theo ông chủ, bà chủ bán Cún Vàng cho lão Chột. Đời Cún Vàng lênh đênh từ đó. Mùa động rừng là bài ca ca ngợi vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên kì vĩ oai hùng của núi rừng Tam Điệp và gióng lên tiếng tiếng chuông cảnh tỉnh lớn lao dữ dội về việc con người cần bảo vệ, tôn trọng và sống hòa hợp với thiên nhiên và muông thú trên trái đất để bảo vệ chính cuộc sống của mình. Mùa động rừng được nhà văn Sương Nguyệt Minh viết trong hơn 20 năm và là tiểu thuyết đầu tiên của ông viết cho thiếu nhi.
“Cánh diều hình nốt nhạc” là truyện dài của nhà văn Niê Thanh Mai. Cậu nhóc Đèn Pha chín tuổi là nhân vật chính trong câu chuyện. Đèn Pha sống với ông bà ngoại, mẹ và em gái, bố Đèn Pha là lính biên phòng chỉ thỉnh thoảng mới được về phép. Đèn Pha có anh em nhà Một Chấm là bạn thân. Hàng xóm của cậu còn có nhạc sĩ Vĩ Cầm rất giỏi chế tạo nhạc cụ. Những câu chuyện bình dị xung quanh cuộc sống của Đèn Pha được tác giả Niê Thanh Mai kể với cảm xúc tươi tắn, sống động từ chuyện bố đóng chuồng gà, bà nuôi thỏ, trồng rau, ông làm bảo vệ, mẹ đan áo… qua mắt của Đèn Pha đều rất thú vị và đầy yêu thương. Trái tim trong sáng của cậu nhóc không ngừng được đắp bồi và mở rộng bởi những câu chuyện nhỏ xinh diễn ra mỗi ngày.
“Nhẩy lên và hét” của Phong Điệp và “Đại náo nhà ông bà ngoại “là hai truyện dài viết về bối cảnh mùa dịch dã tràn đến thành phố. Mắt To 10 tuổi nhân vật chính của câu chuyện cùng với anh trai Gấu Trúc và 2 chị họ Ngúng Nguẩy và Mắt Híp bỗng nhiên được hưởng một kì nghỉ hè lịch sử “Đại náo nhà ông bà ngoại”. Thế giới bên ngoài khép cửa, căn nhà của ông bà ngoại “như một hang động để khám phá những điều bí ẩn”. Chúng khám phá từ vườn cổ tích với vô số cây thuốc nam của bà, tủ thuốc Tây đến bí mật đáy ao với những loài thủy quái… từ “bẻ khóa” máy tính đến tập trang điểm, trình diễn thời trang, nhuộm lông cho chó, đánh giác hơi. Không trò gì chúng không thử: đá bóng, trượt patin, đóng kịch… Y như rằng, hễ chúng cứ tò mò về cái gì là chỉ một lúc sau cái đó sẽ trở thành một mớ hỗn độn. Nhưng với “Đại náo nhà ông bà ngoại” không chỉ lũ trẻ được tận hưởng một kì nghỉ hè lịch sử mà người lớn cũng có dịp được đi một vé về tuổi thơ.