Mới đây, ngày 8/12, Công an tỉnh Bạc Liêu đã bắt tạm giam Nguyễn Hoàng Ngân (SN 2000, ngụ thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngân khai nhận, để có tiền, Ngân chủ động lập ra các dây hụi mới và vận động các hụi viên tham gia, sau đó dùng các thủ đoạn gian dối như tạo tài khoản ảo, tự ý lấy tên các hụi viên tham gia để góp - hốt hụi nhằm chiếm đoạt tài sản... Đến ngày 17/11/2023, Ngân tuyên bố vỡ hụi. Tại thời điểm đó, Ngân nợ của các hụi viên gần 10 tỷ đồng.
Ngày 15/12, Công an tỉnh Bạc Liêu cũng bắt tạm giam với Nguyễn Thùy Trang (SN 1988, ngụ xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi), để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ năm 2019, Trang bắt đầu làm chủ hụi để hưởng tiền hoa hồng. Tương tự với các thủ đoạn như Ngân đã làm, tháng 8/2023, Trang tuyên bố vỡ hụi do mất khả năng chi trả, nợ của hơn 90 hụi viên số tiền trên 5 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tiếp nhận, điều tra, xử lý 12 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chơi hụi, ước tính thiệt hại tài sản hơn 80 tỷ đồng.
Với kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp thụ lý, điều tra các vụ án lừa đảo bằng hình thức chơi hụi, Thiếu tá Trương Minh Đương, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Thực tế cho thấy rủi ro từ việc chơi hụi là rất cao. Hụi thường phổ biến ở các vùng nông thôn, người dân ít có điều kiện được tìm hiểu, cập nhật những quy định pháp luật, trong khi đó thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt”.
“Mặt khác, việc chơi hụi cũng thường thỏa thuận lời nói dựa vào sự tin tưởng giữa các thành viên nên người dân dễ cả tin, mất cảnh giác, rơi vào cạm bẫy lợi nhuận cao, đến khi có vụ việc vỡ hụi xảy ra thì khó có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra, làm rõ các vụ án; mà việc thu hồi tài sản cho các hụi viên cũng gần như bất khả kháng”.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hụi trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo các địa phương thống kê thông tin về hụi, vận động những chủ hụi thực hiện thông báo khi tổ chức dây hụi theo đúng quy định; xử lý các vi phạm với các trường hợp không chấp hành theo quy định. Khi có vụ việc vỡ hụi xảy ra, phải khẩn trương lập danh sách, thống kê số lượng hụi viên tham gia; phân loại, xác định tính chất, mức độ vi phạm; hướng dẫn người dân liên hệ cơ quan thẩm quyền để thụ lý, giải quyết.
Lực lượng công an tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật về hụi đến người dân, tập trung vào đối tượng là chủ hụi, hụi viên, tiểu thương, người buôn bán nhỏ tại các chợ, địa điểm tập trung buôn bán hàng hóa, lao động nông thôn...
Một chủ hụi lừa đảo bị Công an tỉnh Bạc Liêu bắt giam. (Ảnh: Trọng Nghĩa - Trọng Nguyễn) |
Thượng tá Trần Minh Trí, Phó Trưởng Công an TX Giá Rai chia sẻ: “Chỉ riêng trên địa bàn phường Láng Tròn, TX Giá Rai có 73 chủ hụi, 1.095 hụi viên tham gia; việc chơi hụi còn nhiều sơ hở, tiềm ẩn nguy cơ chủ hụi lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, tháng 4/2022, Công an TX Giá Rai đã phối hợp PC01 Công an tỉnh thành lập mô hình “Nhóm tự quản lý hụi trong nhân dân bằng ứng dụng Zalo”, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, hạn chế thấp nhất nguy cơ vỡ hụi, giật hụi xảy ra trên địa bàn”.
Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm tại phường Láng Tròn, mô hình trên được xây dựng theo hình thức mô hình tự quản, thành lập bằng chức năng “Tạo nhóm” trên ứng dụng Zalo, đã được nhân rộng ở nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, góp phần phòng ngừa hiệu quả tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hụi.
“Song với những rủi ro mang lại từ việc chơi hụi, người dân vẫn nên thận trọng trong việc lựa chọn tham gia các dây hụi, cần tìm hiểu kỹ về chủ hụi, nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến chơi hụi, vừa để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa phòng tránh rủi ro, cũng như những vi phạm pháp luật trong quá trình chơi hụi”, Thiếu tá Đương nói.