Để che mắt người dân xung quanh và lực lượng chức năng, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để trồng, chăm sóc, chế biến cần sa - loại cây nằm trong danh mục cấm.
Thủ đoạn trồng và chế biến tinh vi
Khoảng 22h ngày 17/3, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy Công an huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) phối hợp lực lượng công an địa phương tiến hành kiểm tra và bắt quả tang Lê Duy Khánh (34 tuổi, ngụ thôn Mỹ Hà, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà) đang cất giấu tại nhà nhiều túi nilon và những túi màu bạc, bên trong có chứa thân, cành, lá thực vật khô, nghi là cần sa. Tang vật thu giữ gồm: 10 túi nilon, 75 túi bạc (kích thước 20x30 cm, hàn kín 2 đầu, dán nhãn Vương Bảo), 78 túi giấy bạc không có nhãn mác, tất cả được cất giấu trong thùng giấy, kiểm tra bên trong đều có chứa thân, cành, lá thực vật khô, nghi là cần sa; 210 ống giấy cuốn chứa bột nghi cần sa; một túi đựng hạt màu xanh, nghi hạt cần sa.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ một máy hàn màu xanh để hàn miệng túi bạc, một cân điện tử màu xám, một máy nghiền không rõ chủng loại, một máy sấy, một thùng gỗ trong có chứa các chất bột màu xanh, một thùng xốp bên trong có chứa các chất bột nhiều màu, máy ảnh, điện thoại và nhiều vật dụng liên quan khác.
Quá trình đấu tranh, Khánh khai nhận toàn bộ số tang vật là cần sa do Khánh trồng tại vườn nhà ở thôn Mỹ Hà từ tháng 8 - 11/2019 thì thu hoạch. Sau đó, đối tượng này chế biến, chia vào các túi nilon và túi màu bạc, mục đích để sử dụng. Đối tượng này còn xay nhỏ cần sa thành bột mịn, bỏ vào trong các ống giấy cuốn cất giấu.
Một vườn cây cần sa được phát hiện, triệt phá |
Trước đó, ngày 14/2, Công an huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) phát hiện trong vườn cà phê nhà đối tượng Phan Xô (47 tuổi, ngụ buôn Dao, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) trồng xen 5 đám cây cần sa, tổng cộng 1.182 cây, với nhiều kích cỡ khác nhau. Tại thời điểm phát hiện, đối tượng Xô khai nhận được một thanh niên không rõ lai lịch cung cấp hạt giống. Sau đó, Xô đã ươm và mang số cần sa này ra vườn cà phê trồng để lấy thân, cành lá cho… gà ăn và thu hoạch chế biến để bản thân sử dụng.
Qua kiểm tra, lực lượng công an còn phát hiện trong nhà đối tượng Xô còn có 70g hạt giống, 300g hoa cần sa khô đã được sơ chế. Ngoài ra, trong nhà đối tượng này còn có một quả mìn tự tạo, một kíp nổ và một roi điện. Sau đó, Công an huyện Cư M’gar đã ra lệnh tạm giữ hình sự đối với Phan Xô để mở rộng điều tra.
Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh
Thời gian gần đây, giới trẻ có xu hướng đua nhau sử dụng cần sa. Dưới cái mác là “thảo mộc”, nhưng thực chất, cần sa là một loại ma túy nằm trong danh mục cấm sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng.
Trước tình trạng một số đối tượng tự trồng và rao bán cần sa mà cơ quan chức năng đã phát hiện được trong thời gian vừa qua cho thấy, cần sa đang trở nên khá phổ biến trong giới trẻ. Đáng lo ngại là nguồn cung cấp cần sa rất có thể từ những đối tượng trồng cần sa nhỏ lẻ như nêu trên.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy là phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.
Còn điều 247 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, thì những đối tượng đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; đối tượng trồng với số lượng từ 500 cây đến dưới 3000 cây mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên Khoản 4 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào phạm tội nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Như vậy, nếu đối tượng trồng cần sa, nhưng phát hiện thấy có thể bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, chủ động tiêu hủy trước thời điểm đó thì có thể không bị xử lý hình sự. Nếu không có chế tài xử lý mạnh các đối tượng trồng cần sa, kể cả những đối tượng trồng với quy mô nhỏ thì sẽ không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.
Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng tự ý trồng cần sa tại nhà, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường nhiều biện pháp để truyền thông cho người dân biết, hiểu, nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn việc trồng cây cần sa. Đặc biệt, tuyên truyền sâu rộng đến giới trẻ về hiểm họa khôn lường khi sử dụng cần sa.
Cây cần sa còn có các tên gọi khác như: cây gai dầu, cây bồ đà, cây hỏa ma… thuộc nhóm thảo mộc, có chiều cao từ 2 - 3m, thân vuông, mọc thẳng đứng. Lá cần sa rẽ ra từ 5 - 7 thùy, hình chân vịt, mép khía răng cưa. Hoa cần sa là loại hoa đơn tính, màu xanh nhạt. Hạt cần sa hình cầu, giập nát có mùi thơm. Lá, hoa, quả được phơi khô hoặc ép thành bánh đưa đi tiêu thụ. Nhựa cây cần sa có màu đen sẫm, giống như thuốc phiện, có nồng độ gây nghiện gấp 10 lần cần sa thảo mộc. Riêng tinh dầu cần sa có độc tính gấp 3 - 4 lần nhựa cần sa.
Sử dụng cần sa sẽ giảm trí nhớ, khả năng tiếp thu, học hỏi, tập trung và những ảnh hưởng xấu này có khả năng sẽ kéo dài nhiều tháng sau khi sử dụng. Tăng rủi ro bị các chứng bệnh về đường hô hấp, viêm phế quản và cả ung thư phổi. Sử dụng cần sa thường xuyên sẽ dần mất đi động lực thúc đẩy như: giảm nghị lực, lười biếng, bớt quyết tâm; đồng thời sẽ mất đi sự đam mê, thích thú trong học tập hoặc việc làm. Có thể dẫn tới chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, lâu dài sẽ lâm vào tình trạng tâm thần phân liệt nặng. Sử dụng cần sa còn ảnh hưởng đến tuyến nội tiết và cả đời sống tình dục ở nam lẫn nữ.