Dẫu cho nợ công vẫn nằm trong ngưỡng được cho là an toàn thì sự gia tăng liên tục qua các năm của nó vẫn là một chỉ dấu cần được hết sức lưu ý.
Số dư nợ công đang tăng dần qua các năm. Ảnhminh họa: cơ sở hạ tầng cảng biên (Ảnh: MH)
Bộ Tài chính: “Trong ngưỡng an toàn”
Nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/11/2009, tổng số dư nợ công chiếm khoảng 44,7% GDP; tổng số dư nợ nước ngoài trung và dài hạn của quốc gia vào khoảng 30,5% GDP (không bao gồm dư nợ ngắn hạn nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng).
Theo Bộ Tài chính, những khoản nợ này là khối lượng vốn quan trọng bổ sung cho tổng nguồn vốn đầu tư phát triển, cân đối ngân sách nhà nước, bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và cho vay lại đối với các chương trình, dự án trong các lĩnh vực điện, than, xi măng, dầu khí, cảng biển, sân bay... Tính chung trong giai đoạn 2001-2009, nợ công đã đáp ứng được 26% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm trong 10 năm qua.
Bộ Tài chính khẳng định: “Các chỉ tiêu về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn an toàn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tỷ lệ nợ công so với GDP năm 2009 khoảng 44,7%, vẫn trong phạm vi giới hạn nợ được Chính phủ phê duyệt. Các khoản nợ trong và ngoài nước đến hạn được bố trí trả đầy đủ, không có nợ xấu”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng nợ của Hy Lạp và châu Âu đang có nguy cơ gây ảnh hưởng dây chuyền tới tài chính toàn cầu, nhiều ý kiến cho rằng mức nợ công suýt soát 50% GDP của Việt Nam cần được hết sức lưu tâm.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách: “Nợ đang tăng dần”
Báo cáo giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: “Nợ Chính phủ đã tăng dần trong những năm qua và đang tiến dần đến mức trần an toàn (chiếm 50% GDP). Nếu năm 2007, nợ Chính phủ chỉ bằng 33,8% GDP, năm 2008 tăng lên đến 36,2%, năm 2009 đã là 41,9% GDP và năm 2010 sẽ tăng lên đến mức 44,6% GDP. Ủy ban này lên tiếng cảnh báo: “Mức dư nợ Chính phủ và nợ quốc gia tăng sát mức trần cho phép, nợ vay với lãi suất cao dẫn tới an ninh tài chính quốc gia đứng trước khó khăn cho các năm sau”.
Ủy ban muốn lưu ý, nếu cứ tiếp tục bội chi cao và tái diễn tình trạng đầu tư không hiệu quả, dàn trải thì nguy cơ rủi ro từ nợ công là lớn. TS. Trần Văn, Ủy viên thường trực Ủy ban - cho rằng, thực tế thì, trên thế giới, không ít quốc gia có mức nợ công có thể lên đến trên 60%, có nước trên 100% GDP, nợ ở mức nào là an toàn thì tùy từng quốc gia định ra dựa trên tiềm lực kinh tế tài chính và khả năng hấp thụ vốn, khả năng trả nợ. Theo ông, các định chế tài chính quốc tế vẫn đánh giá nợ công của Việt Nam ở mức an toàn và điều quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay thế nào chứ không phải là con số tuyệt đối nợ là bao nhiêu.
Một điều lo ngại khác: “Nợ công cao trong bối cảnh nguồn thu bị co hẹp, để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ sẽ gây áp lực tăng lãi suất và thuế, ảnh hưởng tới tiếp cận nguồn lực của các nhà đầu tư, làm chậm quá trình phục hồi”.
“Tỷ lệ nợ trên GDP vẫn trong ngưỡng an toàn theo chuẩn mực quốc tế. Nhưng đáng chú ý là tốc độ gia tăng của nợ và rủi ro kiểm soát nợ. Hơn nữa, cán cân tiết kiệm và đầu tư cũng đang xấu đi nhanh chóng trong giai đoạn phát triển chiến lược 2001-2010 sau khi đã được cải thiện đáng kể những năm cuối 90 thế kỷ XX. Bên cạnh đó thâm hụt thương mại là yếu tố quyết định gây ra thâm hụt cán cân vãng lai nặng nề trong những năm gần đây kéo theo thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể. Nếu tình trạng thâm hụt cán cân thương mại và cán cân vãng lai không được nhanh chóng cải thiện thì bất kỳ một cú sốc nào từ tài khoản vốn cũng có thể làm Việt Nam đứng trước nguy cơ vỡ nợ quốc gia cho dù có khoản dự trữ ngoại tệ khoảng 20 tỷ USD - gấp 6 lần so với năm 2000”. TS.Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá (Bộ Tài chính)
Linh Lan