Theo ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, việc xử lý tro, xỉ, khối lượng tro, xỉ phát sinh của nhiệt điện than phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng than. Với than cám Altracide nội địa, tỉ lệ tro chiếm tới 30% lượng than sử dụng, trong khi đó với hầu hết than nhập khẩu (bitium) tỉ lệ này là dưới 10% (khoảng 8%). Với 20 nhà máy đang vận hành có tổng công suất khoảng 13.110 MW, lượng nhiên liệu tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm sẽ phát sinh lượng tro, xỉ thải mỗi năm khoảng 15,5 triệu tấn (trong đó khoảng 80-85% tro bay và 15-20% xỉ đáy lò) sử dụng tổng diện tích bãi thải xỉ khoảng 700ha.
Việt Nam hiện áp dụng Quy chuẩn QCVN22:2009/BTNMT để tính ngưỡng phát thải cho các nhà máy nhiệt điện. Các chủ đầu tư là EVN, PVN và TKV cần đôn đốc các nhà máy nhiệt điện cải tạo hệ thống đốt khởi động lò, để có thể đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào ngay khi bắt đầu khởi động. Cùng với đó, nâng cao chất lượng than là đòi hỏi hết sức quan trọng để giảm tỷ lệ tro.
Trước đây, một số sự cố đã xảy ra tại các nhà máy nhiệt điện than của EVN. Cụ thể, năm 2014 tại cụm Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, trong quá trình khởi động thử nghiệm lò, các hệ thống lọc bụi chưa thể kích hoạt khi công suất chưa đủ nên khói thải ra môi trường chưa được khử bụi. Tháng 3-4/2015, tại bãi thải xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 lại tiếp tục xảy ra sự cố phát tán tro bụi ra môi trường xung quanh.
Tại Đại hội đại biểu nhiệm kỳ VI của Hội Khoa học và Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam (VTA), PGS. TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch VTA cho biết, việc nghiên cứu đốt than trộn tại tất cả các nhà máy nhiệt điện đốt than nội địa đang mang lại hiệu quả thiết thực.
Những năm qua, đề tài nghiên cứu đốt than trộn giữa than khó cháy trong nước với than nhập khẩu dễ cháy tại các nhà máy nhiệt điện của VTA đã mang lại hiệu quả to lớn trong việc nâng cao hiệu suất lò hơi trung bình từ 2 - 4%, nghĩa là sẽ tiết kiệm được từ 2 - 4% lượng than tiêu thụ để sản xuất điện.
PGS. TS. Trương Duy Nghĩa cho hay, hiện nay, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 35 - 40 triệu tấn than nội địa, nếu giảm được 2% lượng than tiêu thụ, nghĩa là giảm được khoảng 800.000 tấn/năm, tương ứng khoảng 50 - 60 triệu USD. Đây là những con số ấn tượng, ngoài ra còn tiết kiệm hàng chục nghìn tấn dầu đốt phụ trợ.
Tuy nhiên, không phải cứ than nhập khẩu sẽ có chất lượng tốt. Một vụ việc sai phạm đã xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 liên quan đến than nhập khẩu. Bộ Công Thương gần đây đã thanh tra tại dự án này. Đây là dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư là một trong những dự án điện cấp bách được hưởng các cơ chế đặc thù, đáp ứng nhu cầu điện năng, cung cấp sản lượng điện (7,2 tỷ kWh/năm).
Theo kế hoạch, loại nhiên liệu chính sử dụng: Than cám 5A Hòn Gai - Cẩm Phả và Vàng Danh - Uông Bí.
Theo Đề án cung cấp than cho các Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 5964/QĐ-BCT; NMNĐ Vũng Áng 1 thuộc nhóm các nhà máy sử dụng than trong nước (than cám 4b và cám 5). Tuy nhiên, NMNĐ Vũng Áng 1 đã sử dụng khoảng 756.000 tấn than nhập khẩu do Công ty Hoành Sơn cung cấp.
Sản lượng than do Công ty Hoành Sơn cung cấp cho NMNĐ Vũng Áng 1 theo các Hợp đồng ký kết, từ tháng 5/2015 đến tháng 7/2016, sản lượng mua thực tế là 790.931,76 tấn quy ẩm đạt 87,88% sản lượng ký kết. Qua hai giai đoạn thanh toán, số tiền thanh toán lên tới gần 1.500 tỷ đồng.
Cũng tại dự án này, việc tiếp nhận than bằng đường biển, trong giai đoạn 2015-2016, hệ thống tiếp nhận than có nhiều lần trục trặc phải tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa dẫn đến không đảm bảo khả năng tiếp nhận bằng đường biển theo như thiết kế và công suất quy định của hệ thống tiếp nhận than.
Theo phản ánh, Công ty Hoành Sơn chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc than nội địa của Công ty cổ phần Thương mại Hoàng Thảo Lâm và Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Triệu Phong. Việc giao nhận than không đủ sản lượng theo quy định của Hợp đồng…