ThS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc – Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp (chủ yếu là phụ nữ trẻ và trung niên) vào viện khám, điều trị do “hậu quả” của việc sử dụng mỹ phẩm.
Điểm chung của các trường hợp này thường là mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Trường hợp nhẹ bị dị ứng da thường có biểu hiển ngứa nhiều, còn kích ứng thì vùng da bị bỏng rát…
Ngoài ra, các bệnh nhân thường nhập viện muộn, đã có triệu chứng viêm da từ trước đó khá lâu nhưng thường tìm cách tự xử lý, đến khi biến chứng nặng, da bị bỏng rát không chịu được nữa mới vào viện.
“Nhiều bệnh nhân nếu không khai thác tiền sử bệnh thì không biết được nguyên nhân nên khó điều trị. Có những bệnh nhân khi chúng tôi hỏi bệnh rằng có dùng mỹ phẩm gì không thì khăng khăng trả lời là không, nhưng sau đó nhập viện thì mới khai ra là dùng loại này, loại kia” – bác sĩ Vũ Thái Hà nói.
Kinh nghiệm từ các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy, đa số trường hợp bị viêm da cấp tính do phản ứng phụ hoặc biến chứng của việc sử dụng mỹ phẩm, kem trộn làm trắng da, sáng da… thường là dùng mỹ phẩm trôi nổi, tự chế hoặc lạm dụng mỹ phẩm trong thời gian dài.
Thế nhưng cũng có không ít bệnh nhân bị biến chứng viêm da nặng dù trước đó chỉ sử dụng duy nhất một loại mỹ phẩm có thương hiệu rất nổi tiếng.
Điền hình là trường hợp một phụ nữ ngoài 40 tuổi, ở Hà Nội, vào Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, hiện vẫn đang điều trị tại Khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc bởi bị viêm da biến chứng nặng.
Bác sĩ Vũ Thái Hà cho biết, theo lời kể của bệnh nhân, khoảng hơn 1 năm nay cô chỉ sử dụng duy nhất một loại mỹ phẩm làm sáng da, trắng da có thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Vài tháng gần đây cô này có hiện tượng nóng rát vùng mặt, lúc nào da mặt cũng bỏng rát, mặt đỏ phừng phừng, nhiều khi đỏ liên tục cả ngày.
ThS.BS Vũ Thái Hà - Bệnh viện Da liễu Trung ương kể từng tiếp nhận không ít bệnh nhân bị viêm da cấp tính do sử dụng mỹ phẩm
Tuy nhiên bệnh nhân không chịu đi viện ngay mà cố gắng tự xử lý tại nhà bằng cách để nước khoáng trong ngăn mát tủ lạnh để dùng xịt lên da mặt làm dịu các cơn bỏng rát. Phải đến gần 1 tháng sau, các cơn bỏng rát da và triệu chứng mặt đỏ không giảm, cô này mới đến Bệnh viện Da liễu Trung ương điều trị.
“Thời điểm vào viện, gương mặt chị này đỏ lừ, 2 bên má, cằm, vùng mũi màu đỏ tươi, có rất nhiều giãn mạch trên vùng màu đỏ đó, cảm giác làn da rất bóng rát, xuất hiện nốt li ti từng đợt. Bệnh nhân giờ không dám đánh phấn hay dùng thêm một mỹ phẩm nào khác bởi cứ bôi mỹ phẩm vào là da lại mẩn lên, gây bỏng rát hơn” – bác sĩ Hà kể.
Với những trường hợp này, trước mắt bệnh nhân sẽ được điều trị triệu chứng, dùng các kháng sinh để làm dịu triệu chứng viêm da, bỏng rát da. Một số trường hợp dùng thuốc chống viêm giảm đau. Sau khi điều trị đỡ triệu chứng thì mới điều trị phục hồi da, phục hồi sắc tố da bằng các kỹ thuật hiện đại như laser…
Quan trọng nhất là điều trị phải kiên trì. Đồng thời với điều trị phải tư vấn cho bệnh nhân về mặt tâm lý, bởi có khi điều trị cả tháng trời chưa đỡ khiến bệnh nhân muốn bỏ cuộc. Đặc biệt trong thời gian đầu điều trị, triệu chứng viêm da còn tăng lên do trước đó bệnh nhân đã dùng corticoid (có trong mỹ phẩm) một thời gian dài, giờ dừng lại đột ngột.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, các loại kem làm trắng da, kem trộn, nhất là các loại mỹ phẩm giả, trôi nổi thường có chất corticoid. Lúc đầu mới sử dụng bôi thì làn da của người dùng sẽ trắng sáng rất nhanh nhưng sau đó thời gian, nếu lạm dụng, dùng lâu dài sẽ có tác dụng phụ, sắc tố da bị ảnh hưởng, gây nên triệu chứng viêm da do mỹ phẩm.
“Khi họ dùng mỹ phẩm có corticoid trong một thời gian dài có thể dẫn tới chứng “nghiện corticoid”, làn da bị phụ thuộc vào corticoid và lúc dừng lại đột ngột có thể da sẽ bị mẩn ngứa, các triệu chứng viêm da tăng lên. Thông thường phải điều trị vài tháng, có khi kéo dài cả năm mới khỏi hoàn toàn” – bác sĩ Vũ Thái Hà cho biết thêm.