Cục Y tế dự phòng cho biết, virus cúm A/H1N1 có thể dễ dàng lây từ người sang người, giống như cách lây lan của cúm thường. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng bệnh hô hấp như: Sốt trên 38 độ, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, ho khan, đau viêm họng, nghẹt mũi, đau nhức cơ, nhức mỏi toàn thân, suy nhược, tiêu chảy, nôn ói thì nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, tránh tình trạng bệnh biến chứng gây nguy hiểm.
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có 2 bệnh nhân cúm tại Bệnh viện Bạch Mai bị nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm (A/H5N1) do tình trạng viêm phổi rất nặng.
Triệu chứng của những bệnh nhân này khá giống với bệnh cúm gia cầm nguy hiểm. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 và đồng nhiễm cúm B - chủng cúm mùa.
Có thể thấy, cúm A/H1N1 đang diễn biến khá phức tạp, bệnh dễ tấn công và lây lan khi thời tiết chuyển mùa, đã để lại những hậu quả gây thiệt hại đến tính mạng con người. Phần lớn người nhiễm cúm A/H1N1 sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày điều trị thông thường, tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường kéo dài khoảng 3 ngày với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn...
Sau đó, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng: Sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do virus tấn công sâu vào phổi, suy đa phủ tạng và có thể gây tử vong.
Đặc biệt, nguy cơ tử vong cao nhất trên các bệnh nhân tiền sử bệnh lý nền, các bệnh mạn tính gây suy giảm sức đề kháng như: suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ...
Chủng virus này tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24-48 giờ trên các bề mặt như bàn ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ và sống được 5 phút trong lòng bàn tay. Không những thế, virus này có thể "sống khỏe" trong môi trường nước 22 độ C tới 4 ngày và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Do đó, các hồ bơi là môi trường lý tưởng cho virus phát triển.
Để phòng chống cúm A/H1N1, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo ngoài các biện pháp giữ vệ sinh chung, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, cách tốt nhất để phòng tránh cúm là tiêm vaccine chủng ngừa cúm mỗi năm…