Cảnh báo ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới

Bệnh nhân điều trị ngộ độc tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai.
Bệnh nhân điều trị ngộ độc tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai.
(PLVN) - Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho hai bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới với bệnh cảnh hoàn toàn khác so với ngộ độc thuốc diệt chuột trước đây.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, GĐ Trung tâm Chống độc cho biết, trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân nam 59 tuổi, ở Hưng Yên. Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân đã uống 6 gói thuốc diệt chuột dạng bột do nhầm tưởng những gói bột này là ngũ cốc.

Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột kháng vitamin K. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc ở ngày thứ 3 sau khi đã được điều trị ở tuyến dưới. Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, rối loạn đông máu và tiếp tục được sử dụng thuốc giải độc.  

Trường hợp thứ hai cũng là một bệnh nhân nam, 39 tuổi, ở Hà Nội. Bệnh nhân này có tiền sử rối loạn tâm thần. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng nôn khan, vẫn tỉnh táo, không co giật. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân đã uống 4 viên thuốc diệt chuột Storm (giống viên kẹo màu xanh nước biển). Hiện, bệnh nhân đang được điều trị tích cực và sử dụng thuốc giải độc.

Theo TS.BS Nguyên, những năm gần đây, Trung tâm tiếp nhận cấp cứu rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới. Nếu các thuốc diệt chuột thế hệ cũ cách đây 10-20 năm, hầu hết nhập lậu, gây co giật, hôn mê, loạn nhịp tim, đã bị cấm và ít xuất hiện trở lại, thì ngày nay các loại thuốc thế hệ mới gây chảy máu do kháng vitamin K. 

Những chất này gây độc diễn biến âm thầm và trong 3 ngày đầu, bên ngoài biểu hiện bình thường nhưng sau thời điểm này xuất hiện các dấu hiệu chảy máu ở răng, mũi, da, tiêu hóa... Thậm chí, có những bệnh nhân vì nhiều lý do không khai thật đã uống thuốc diệt chuột nên bác sĩ dễ nhầm lẫn sang các bệnh lý khác.

Các thuốc diệt chuột thế hệ mới rất phong phú, đa dạng về hình thức, chủng loại, màu sắc, có dạng viên giống viên kẹo màu xanh, hồng, đỏ, trắng; có dạng dung dịch giống siro hay dạng bột… Người dân có thể dễ dàng mua các loại thuốc diệt chuột này ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật hay các xe bán hàng rong…

Các hóa chất diệt chuột thuộc nhóm kháng vitamin K (gây chảy máu) có rất nhiều, cổ điển là warfarin (tác dụng ngắn, thường chỉ vài tuần hết tác dụng), nay có nhiều hóa chất mới được gọi là superwarfarin (như bromadiolone, flocoumafen,  diphacinone,…). Các hóa chất này lại thường được gọi dưới cái tên rất nhẹ nhàng “thuốc diệt chuột sinh học”. Thực tế, tất cả vẫn là các hóa chất thế hệ mới có độc tính còn cao hơn rất nhiều.

Khi các chất này vào cơ thể chuyển hóa và thải trừ rất chậm, trong 72 tiếng đồng hồ đầu có thể chưa biểu hiện gì, nhưng âm thầm chỉ theo dõi xét nghiệm đông máu hàng ngày mới biết, độc tính kéo dài thường nhiều tháng, có thể tới hàng năm. 

Thường các bệnh nhân sau khi được cấp cứu, dùng thuốc giải độc ổn định, cần duy trì đơn thuốc và hẹn khám lại nhiều lần, có khi cả năm thì ngộ độc mới đỡ dần và hết. Tuy nhiên, các bệnh nhân thường chủ quan hoặc bận rộn với cuộc sống nên hết thuốc lại không đi khám tiếp lấy đơn thuốc trong khi chất độc vẫn còn trong người, kết quả là lại bị chảy máu và vào viện cấp cứu tiếp.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu không may sau khi uống phải hóa chất diệt chuột, mặc dù chưa có biểu hiện gì cũng không được chủ quan, phải đến cơ sở y tế theo dõi và điều trị tại bệnh viện ít nhất 72 giờ, bác sĩ sẽ xét nghiệm lại và quyết định cho ra viện hay điều trị tiếp.

Bệnh nhân khi đã được xác định bị ngộ độc, không được tự bỏ thuốc mà phải tuân thủ đúng theo đơn và khám lại theo hướng dẫn. Bác sỹ là người điều chỉnh và quyết định khi nào việc chữa ngộ độc hoàn tất (thường mất nhiều tháng).

Với các cơ sở y tế, cần cảnh giác với các bệnh nhân rối loạn đông máu, chảy máu, đặc biệt khi các nguyên nhân không rõ ràng. 

Để phòng tránh ngộ độc các hóa chất diệt chuột, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo:

Hạn chế diệt chuột bằng bả hay bằng thuốc diệt chuột

Khi mua hóa chất diệt chuột: Chỉ mua hóa chất diệt chuột ở quầy kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật hoặc cơ sở có đăng ký. Chỉ mua các sản phẩm có đăng ký lưu hành và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thông tin đầy đủ, rõ ràng về hóa chất.

Nếu sử dụng hóa chất diệt chuột: vị trí sử dụng hóa chất diệt chuột (làm bả, đặt bả chuột) phải xa và cách biệt hẳn so với nơi ở, nơi ăn uống, đặc biệt xa thức ăn, nước uống, xa trẻ em, ở vị trí trẻ không thể với tới hoặc mở ra được. Gia đình có người bị bệnh tâm thần hoặc lẫn lộn thì không nên để các hóa chất độc trong khuôn viên nhà ở.

Không dự trữ các hóa chất độc hại, bao gồm hóa chất diệt chuột tại gia đình.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.